Thế giới ghi nhận trên 263 triệu ca nhiễm mới

02/12/2021 13:27

Trong bối cảnh xuất hiện biến thể mới Omicron, nhiều quốc gia trên thế giới đang siết chặt các biện pháp phòng chống dịch và tăng cường tiêm chủng.

Dich COVID-19: The gioi ghi nhan tren 263 trieu ca nhiem moi hinh anh 1
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc, ngày 1.12

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 2.12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 263.708.529 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.241.454 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 237.978.949 người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 804.911 ca tử vong trong tổng số 49.566.485 ca mắc.

Tiếp đó là Ấn Độ với 469.532 ca tử vong trong số 34.605.439 ca mắc; Brazil với 615.020 ca tử vong trong số 22.105.872 ca mắc.

Trong bối cảnh xuất hiện biến thể mới Omicron, nhiều quốc gia trên thế giới đang siết chặt các biện pháp phòng chống dịch và tăng cường tiêm chủng.

Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cho biết sẽ sớm yêu cầu du khách quốc tế nhập cảnh vào nước này phải xét nghiệm COVID-19 một ngày trước khi khởi hành, bất kể tình trạng tiêm chủng. Biện pháp này sẽ được công bố sau khi quy định được hoàn thiện.

Hiện nay, những du khách đã tiêm chủng tới Mỹ được yêu cầu xét nghiệm 3 ngày trước khi khởi hành.

Những người Mỹ chưa tiêm chủng hoặc thường trú cần xét nghiệm trong vòng một ngày, trong khi những người không phải là công dân Mỹ chưa được tiêm chủng không được phép nhập cảnh qua đường hàng không, trừ một số trường hợp ngoại lệ. Mỹ đã ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron vào ngày 1.12. 

Tương tự, chính phủ Honduras thông báo sẽ tăng cường giám sát dịch tễ và kiểm soát tại các cửa khẩu do lo ngại biến thể Omicron, mặc dù quốc gia này vẫn chưa phát hiện ca nào nhiễm nào biến thể này.

Bộ Y tế Honduras đã ra thông cáo cho biết sẽ tăng cường giám sát, truy vết, phân tích gene, xét nghiệm và tăng cường các biện pháp phòng ngừa cũng như đảm bảo cung cấp các dịch vụ y tế cần thiết.

Ngoài ra, bộ cũng sẽ phối hợp với Cục Di trú để đảm bảo người nhập cảnh vào Honduras phải tuân thủ các nguyên tắc phòng dịch, trong đó có khai báo lịch trình, xét nghiệm và cách ly.

Bên cạnh đó, nhà chức trách cũng kêu gọi người dân tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ, đeo khẩu trang, sát khuẩn và tránh xa nơi đông người, không gian kín hoặc có hệ thống thông khí kém.

Tại châu Âu, Cơ quan Quản lý dược phẩm của Italy (AIFA)  đã cho phép sử dụng vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech để tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi, do các dữ liệu có sẵn "cho thấy mức độ hiệu quả cao, không có dấu hiệu cảnh báo về mức độ an toàn vào thời điểm hiện tại."

Dich COVID-19: The gioi ghi nhan tren 263 trieu ca nhiem moi hinh anh 2
Người dân chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Frankfurt am Main, Đức, ngày 30.11

Quyết định được đưa ra sau khi Cơ quan Quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) thực hiện bước đi tương tự vào ngày 25.11, trong bối cảnh châu Âu trở thành tâm dịch mới của đại dịch COVID-19, chiếm khoảng 50% số ca mắc mới và tử vong trên toàn thế giới trong những tuần gần đây.

EMA đã khuyến cáo rằng vaccine của Pfizer/BioNTech được tiêm cho trẻ 5-11 tuổi ở cánh tay với hai liều 10 microgram, cách nhau 3 tuần. Liều vaccine dành cho người lớn là 30 microgam.

Vaccine của Pfizer/BioNTech đã được Liên minh châu Âu (EU) chấp thuận sử dụng cho thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi từ tháng 5.2021, với liều lượng tương tự như đối với người lớn.

Việc tiêm chủng cho trẻ em được các cơ quan y tế coi là một bước quan trọng để kiểm soát đại dịch COVID-19. 

Bên cạnh đó, Italy cũng đang tăng cường việc xét nghiệm COVID-19 ngẫu nhiên tại các cửa khẩu biên giới để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ tư đang gia tăng và biến thể mới Omicron, được cho là có khả năng lây lan cao hơn.

Pháp thông báo sẽ cho phép nối lại các chuyến bay từ 10 quốc gia ở khu vực miền Nam châu Phi từ ngày 4.12, nhưng với những hạn chế vô cùng "nghiêm ngặt," chỉ cho phép người dân Pháp và các nước EU lên máy bay cùng với các nhà ngoại giao và phi hành đoàn.

Những du khách này sẽ phải làm xét nghiệm COVID-19 khi đến Pháp, nếu kết quả âm tính vẫn phải cách ly 7 ngày, trong khi xét nghiệm dương tính sẽ yêu cầu cách ly 10 ngày.

Pháp cũng thông báo rằng tất cả du khách đến từ bên ngoài EU sẽ phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 được thực hiện trong vòng 48 giờ. Ngoài ra, những du khách chưa tiêm chủng đến từ các nước EU sẽ phải có kết quả xét nghiệm âm tính dưới 24 giờ.

Trong khi đó,  nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ họp vào tuần tới để đánh giá các dữ liệu về mũi vaccine tăng cường, trong bối cảnh các quốc gia giàu có đang tiến hành tiêm mũi tăng cường cho nhiều người dân hơn.

Theo trưởng nhóm khoa học của WHO - bà Soumya Swaminathan, WHO sẽ đưa ra khuyến nghị về việc sử dụng mũi tiêm tăng cường sau khi đánh giá cụ thể.

Trong khi đó, theo Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO - Tiến sỹ Mike Ryan, hiện vẫn chưa có bằng chứng cho thấy việc sử dụng mũi tiêm tăng cường cho toàn dân, bao gồm cả những người khỏe mạnh, sẽ giúp bảo vệ mọi người chống lại căn bệnh này tốt hơn.

Trong một diễn biến liên quan, Giám đốc Văn phòng khu vực Đông Địa Trung Hải của WHO, Tiến sỹ Ahmed Al-Mandhari cho biết 7 quốc gia trong khu vực này vẫn chưa đạt tỷ lệ bao phủ vaccine 10% quy mô dân số.

Theo ông Al-Mandhari, các nước thu nhập thấp, chủ yếu là ở châu Phi, chỉ nhận được 0,6% lượng vaccine của thế giới, trong khi Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhận hơn 80%.

Ông Al-Mandhari nói thêm: "Những sự bất bình đẳng này tồn tại càng lâu, nguy cơ xuất hiện thêm nhiều biến thể càng lớn. Không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn.".

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thế giới ghi nhận trên 263 triệu ca nhiễm mới