Thích ứng an toàn, linh hoạt, quyết định kịp thời để phát triển kinh tế - xã hội

28/01/2022 10:32

Đây là khẳng định của đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trên báo Đại biểu Nhân dân mới đây.

“Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã thể hiện sự nhạy bén, kịp thời, giúp ngành y tế vượt qua khó khăn, vướng mắc trong khuôn khổ tuân thủ các quy định hiện hành. Đồng thời, phù hợp với chiến lược phòng, chống dịch mới là: linh hoạt, thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để phát triển kinh tế - xã hội”, đó là khẳng định của Đại biểu Quốc hội Khóa XV Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.


Đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

Người dân và doanh nghiệp là trung tâm của quyết sách

- Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tổ chức nhiều phiên họp bất thường và ban hành các Nghị quyết quan trọng với một số nội dung mang tính lịch sử, lần đầu tiên được áp dụng, góp phần đưa đất nước vượt qua đại dịch, để lại dấu ấn trong cử tri và Nhân dân. Trong đó, phải kể đến Nghị quyết 12/2021/UBTVQH15. Ông có thể cho biết ý kiến của mình về nghị quyết quan trọng này?

- Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28.7.2021 Kỳ họp thứ Nhất, Khóa XV đã cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc biệt trong phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có việc áp dụng các biện pháp giống như trong tình trạng khẩn cấp mà chưa ban bố tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn tồn tại những vướng mắc, bất cập do quy định tại các luật hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu đặc biệt, đặc thù, chưa có tiền lệ của công tác phòng, chống dịch... Để giải quyết những vấn đề nảy sinh, ngày 30.12.2021, UBTVQH ban hành Nghị quyết số 12 về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Nghị quyết số 12 tập trung vào 4 nhóm vấn đề mấu chốt của ngành y tế là: khám bệnh, chữa bệnh; thanh toán chi phí và chế độ chống dịch; dược; trang thiết bị y tế. Việc ban hành Nghị quyết đã thể hiện sự quyết tâm trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, sự vào cuộc, đồng hành của Quốc hội để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh cũng như phục hồi và phát triển kinh tế, theo quan điểm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong mọi quyết sách, vì sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nghị quyết càng có ý nghĩa lớn trong thời điểm hiện nay, khi mà chủ trương phòng, chống dịch chuyển sang phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phòng ngừa chủ động từ sớm, từ xa.

- Như ông đã đề cập, Nghị quyết 12 đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Xin ông chia sẻ rõ hơn về điều này?

- Một trong những điểm khá nổi bật của nghị quyết này là các quy định về việc quản lý thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong bối cảnh dịch Covid-19. Nghị quyết 12 là chính sách rất kịp thời vì cho phép đẩy nhanh quy trình đăng ký thuốc điều trị Covid-19 tại Việt Nam. Nhờ vậy mà các doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể chủ động lên kế hoạch sản xuất và cung ứng, bảo đảm thuốc chất lượng cao được tiếp tục lưu thông, nhập khẩu; không làm gián đoạn nguồn cung ứng thuốc cho người bệnh. Ngay việc gia hạn giấy phép cũng vậy. Theo quy định tại mục 5, Điều 6 Nghị quyết số 12 thì 12.896 giấy đăng ký lưu hành hết hiệu lực từ ngày 20.11.2021 vẫn tiếp tục được gia hạn đến 31.12.2022. Việc gia hạn này giúp tháo gỡ khó khăn và gánh nặng do tình hình dịch bệnh kéo dài và phức tạp gây ra cho các doanh nghiệp. Mới đây, Chủ tịch EuroCham đã bày tỏ sự đánh giá cao việc ban hành nghị quyết này, coi đây là một bước tiến quan trọng cho cả doanh nghiệp Việt Nam và châu Âu trong việc phục hồi kinh tế - xã hội và bảo vệ sức khỏe của người dân.

Bảo đảm tính thống nhất và khả thi cao trong triển khai thực hiện

- Với các địa phương, trong đó có tỉnh Hải Dương, quyết sách này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

- Để chống dịch thì lực lượng tại chỗ là quan trọng nhất và thực tế tại Hải Dương cũng như nhiều địa phương cho thấy, có những thời điểm nhất định, do năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng và cả năng lực điều trị hạn chế thì đã phải huy động nhân lực tham gia xét nghiệm trên diện rộng... Cơ chế huy động nhân lực đã góp phần quan trọng vào thành quả chống dịch và là chủ trương đúng đắn, cần được tiếp tục phát huy trong trường hợp dịch bệnh xảy ra ở mức độ cao.

Tuy nhiên, thực tế cũng có vướng mắc khi huy động nhân lực là có nhiều trường hợp chưa có chứng chỉ hành nghề tham gia các hoạt động lấy mẫu xét nghiệm, tiêm chủng Covid-19, chăm sóc người bệnh Covid-19... Điều đó chưa phù hợp với quy định tại Khoản 2 và 3, Điều 6 Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Do vậy, Nghị quyết 12 xác định, trong trường hợp nhân lực của đơn vị, địa phương không đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngoài việc điều động, huy động người có chuyên môn phù hợp với yêu cầu công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của pháp luật, cơ quan, người có thẩm quyền còn được phép điều động, huy động sử dụng nhân lực tham gia xét nghiệm, tiêm chủng, khám, chữa bệnh Covid-19, mà không phụ thuộc vào phạm vi hành nghề được ghi trong chứng chỉ hành nghề hoặc việc có hay không có chứng chỉ hành nghề.

- Một vấn đề luôn được nói đến nhiều, đó là nguồn kinh phí về phòng, chống dịch sẽ như thế nào, thưa ông?

- Để gỡ khó cho các địa phương về kinh phí, Nghị quyết 12 cũng quy định kinh phí chi thường xuyên của cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 công lập được bảo đảm từ ngân sách nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế, chi trả của người sử dụng dịch vụ và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Trong đó, ngân sách địa phương bảo đảm đối với cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 do địa phương thành lập; trường hợp ngân sách địa phương không bảo đảm được thì ngân sách Trung ương hỗ trợ.

Trường hợp cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 không bóc tách được chi phí khám, bệnh, chữa bệnh Covid-19 và các bệnh khác để thanh toán theo các nguồn hoặc không thu được các khoản chi phí mà người bệnh phải trả theo quy định do nguyên nhân bất khả kháng thì được ngân sách nhà nước chi trả theo quy định của Chính phủ.

- Để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, chắc hẳn còn nhiều việc phải làm, thưa ông?

- Tôi tin rằng, quyết sách này sẽ sớm đi vào cuộc sống, được thẩm thấu, tháo gỡ các nút thắt cho ngành y tế và tạo “cú huých” để thực hiện tốt đồng thời hai nhiệm vụ là kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi nhanh chóng nền kinh tế, hỗ trợ thiết thực đời sống người dân trong điều kiện bình thường mới. Đây cũng là ý nghĩa “kép” của các quyết sách về phòng, chống dịch. Cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế được quy định trong nghị quyết này là những nội dung quan trọng, cấp bách, liên quan đến sự an toàn, tính mạng và sức khỏe người dân, có đối tượng tác động lớn. Do đó, để bảo đảm tính khả thi, thống nhất, phải triển khai kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, đúng và trúng vấn đề cần thiết; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, chủ động, tích cực từ sớm, từ xa của Chính phủ, Bộ Y tế; sự giám sát thường xuyên của Quốc hội, các ĐBQH, các đoàn ĐBQH về việc thực hiện nghị quyết.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Đại biểu Nhân dân

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thích ứng an toàn, linh hoạt, quyết định kịp thời để phát triển kinh tế - xã hội