Tổng thống Biden và sứ mệnh đoàn kết các đồng minh nhằm ứng phó với Trung Quốc

10/06/2021 11:25

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua (9.6) đã bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức cuối tháng 1. Chuyến đi là nhằm đoàn kết các đồng minh của Mỹ.

Trong chuyến công du châu Âu 8 ngày từ 9.6 tới 16.6, Tổng thống Biden sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo nhóm G7 tại Anh và gặp gỡ lãnh đạo NATO và Liên minh châu Âu tại Bỉ.

Tổng thống Mỹ Biden. Ảnh: Fruzzy Skunk.
Tổng thống Mỹ Biden

Mặc dù Tổng thống Biden sẽ không gặp gỡ lãnh đạo Trung Quốc trong chuyến đi này, Bắc Kinh sẽ là một trong những chủ đề chính tại các cuộc thảo luận của lãnh đạo nhóm G7, NATO và EU. Lãnh đạo các nước thành viên nhóm G7 dự kiến sẽ công bố một sáng kiến tài chính cho cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển nhằm làm đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Lãnh đạo các nước châu Âu cũng sẽ thảo luận các biện pháp ứng phó với các hoạt động kinh tế của Trung Quốc.     

Tổng thống Biden từng mô tả chương trình nghị sự trong nước, bao gồm kế hoạch việc làm hơn 2.000 tỷ USD nhằm đầu tư cho cơ sở hạ tầng và ứng phó với biến đổi khí hậu, là điều cần thiết nhằm chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc trong thế kỷ 21.

Trước khi rời thủ đô Washington bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên, Tổng thống Biden phát biểu với truyền thông Mỹ rằng mục đích chuyến đi của ông nhằm chứng tỏ cho Trung Quốc và Nga thấy rằng châu Âu và Mỹ gắn liền với nhau.

Cả hai đảng ở Mỹ hiện đều ủng hộ chính sách đối phó với các hoạt động không công bằng của Trung Quốc và củng cố chuỗi cung ứng của Mỹ. Thượng viện Mỹ ngày 8/6 đã thông qua một dự luật nhằm thúc đẩy nghiên cứu và phát triển Mỹ nhằm tạo lợi thế trong cạnh tranh với Trung Quốc.

Trong khi tìm cách tạo ra các thay đổi lớn trong chính sách từ thời chính quyền Trump trong một loạt lĩnh vực, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc dưới thời chính quyền Biden vẫn chưa có nhiều chuyển biến mà vẫn duy trì cách tiếp cận cứng rắn của chính quyền tiền nhiệm. Chính quyền Biden vẫn duy trì các biện pháp thuế quan đối với Trung Quốc, chỉ trích các hành vi gây hấn qua mạng Internet cũng như các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc và gây sức ép với nước này trong các vấn đề liên quan tới nhân quyền.   

Tuần trước, Tổng thống Biden đã mở rộng danh sách từ thời Tổng thống Trump cấm các công ty quốc phòng và do thám Trung Quốc nhận đầu tư của Mỹ. Đồng thời, Tổng thống Biden cũng coi trọng việc phối hợp với các đồng minh và đối tác quốc tế trong chính sách đối ngoại của mình bao gồm ứng phó với Trung Quốc.

Mặc dù không phải chủ đề chính, các hoạt động của Trung Quốc dự kiến sẽ là nội dung ngầm trong tất các các cuộc gặp của ông Biden trong chuyến công du châu Âu của mình.

Ông Biden đầu tiên sẽ gặp lãnh đạo nhóm G7 ở Cornwall, Anh, trước khi sang Bỉ dự thượng đỉnh NATO và thượng đỉnh Mỹ-EU. Ông Biden cũng sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Geneva trong ngày cuối cùng của chuyến đi.

Phát biểu với báo giới ngày 7.6, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết lãnh đạo nhóm G7 sẽ công bố một sáng kiến mới nhằm cung cấp tài chính cho cơ sở hạ tầng số, vật lý và y tế tại các nước đang phát triển. Ông Sullivan cho rằng đây sẽ là giải pháp dựa trên luật lệ, minh bạch, thân thiện với môi trường và đạt tiêu chuẩn cao nhằm thay thế Sáng kiến Vành đai và Con đường mà Trung Quốc đang chào mời.

Tại thượng đỉnh Mỹ-EU, ông Sulliva cho biết quan chức các bên sẽ tập trung phối hợp các cách tiếp cận đối với thương mại và công nghệ để không ai khác ngoài các nền dân chủ tạo ra các quy định về thương mại và công nghệ trong thế kỷ 21.

Sau cuộc gặp với Tổng thống Biden ngày 7.6, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết khối này cần duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ nhằm ứng phó với sự hung hăng của Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương trong khi can dự với nước này trong các vấn đề như thương mại và kiểm soát vũ khí.

Tổng thư ký NATO Stoltenberg nhấn mạnh “Trung Quốc sẽ sớm có nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trung Quốc đã có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới, có lực lượng hải quân lớn nhất và đang đầu tư nhiều cho năng lực quân sự tiên tiến và không cùng chia sẻ các giá trị của chúng ta.”

Tuy nhiên, trong khi EU muốn hợp tác với Mỹ trong việc giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, các nước châu Âu có thể không ủng hộ bổ sung trừng phạt thương mại đối với Bắc Kinh vì họ phụ thuộc hơn vào thị trường nước này, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất. Ví dụ, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức trong 5 năm liên tiếp.

Nhà Trắng ngày 8.6 đã chỉ thị Bộ Thương mại Mỹ cân nhắc các biện pháp thuế quan đối với nam châm trắng mà Trung Quốc là quốc gia sản xuất hàng đầu vật liệu này.  

Các nhà phân tích cho rằng so với Mỹ, EU cần thị trường Trung Quốc hơn và các nước châu Âu dễ tổn thương hơn đối với các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc hơn là Mỹ. Chính vì vậy, điều này sẽ tiếp tục tạo ra sự lưỡng lự về phía châu Âu khi muốn siết chặt hơn đối với Trung Quốc.

Lisa Curtis - một chuyên gia về Nam và Trung Á trong Hội đồng an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Trump, cho rằng thách thức lớn nhất của chính quyền Biden sẽ là sự lo ngại của các nước châu Âu rằng Mỹ có thể quay trở lại cách tiếp cận “Nước Mỹ trước tiên” trong chính sách đối ngoại dưới thời Tổng thống Trump trước đây. Chuyên gia Li-sa Cơ-tít cho rằng châu Âu hiện thiên về việc tự quyết định chính sách đối ngoại của mình và chính quyền Biden sẽ cần tận dụng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của EU từng được công bố hồi tháng 4 đồng thời tìm ra những điểm chung giữa cách tiếp cận của Mỹ và châu Âu đối với khu vực.

Theo VOV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tổng thống Biden và sứ mệnh đoàn kết các đồng minh nhằm ứng phó với Trung Quốc