Thú chơi chim chào mào

04/12/2022 12:02

Đây là loại chim được nhiều người lựa chọn chơi để thỏa đam mê của bản thân.


Nhiều người lựa chọn chơi chim chào mào bởi tiếng hót trong trẻo của chúng

Chẳng thánh thót như tiếng hót họa mi, cũng không líu lo như chim vành khuyên, hay mộc mạc như cu gáy, âm thanh trong trẻo của tiếng chim chào mào gợi nhớ đến không gian yên bình ở những vùng quê rợp bóng cây xanh. Bởi vậy mà nhiều người đã lựa chọn loài chim này để thỏa đam mê của bản thân.

Đam mê

Hằng ngày, ngoài công việc chính là lái xe, anh Cao Xuân Sơn (ở TP Hải Dương) dành thời gian chăm sóc cho 5 chú chim chào mào ở nhà. Anh đã đam mê với bộ môn chơi chim chào mào hơn 10 năm nay và chưa có ý định thay đổi sang một thú chơi nào khác. Hiện nay, anh Sơn đang là Chủ tịch Câu lạc bộ (CLB) Chào mào TP Hải Dương. Vào các ngày thứ 4 và chủ nhật hằng tuần, anh Sơn lại cùng anh em trong CLB đem chim đến một quán cafe sân vườn để giao lưu, học hỏi. Với đam mê này, anh đã cùng những chú chim chào mào của mình đi thi đấu ở nhiều tỉnh phía Bắc, giành được rất nhiều giải thưởng lớn, nhỏ. Anh Sơn đánh giá, so với các tỉnh khác thì phong trào chơi chim chào mào ở Hải Dương rất mạnh. 

Giống như anh Sơn, anh Bùi Quý Sáng hiện là Chủ tịch CLB Chào mào huyện Gia Lộc cũng đam mê chơi chim từ 10 năm nay. Hiện tại, anh Sáng đang nuôi 10 con chim chào mào và thường xuyên cho chúng đi giao lưu, thi đấu tại các huyện, thành phố trong tỉnh. Ngoài công việc bán đồ nội thất, anh Sáng còn có một thời khóa biểu riêng để chăm sóc những chú chim hằng ngày. Buổi sáng, anh cho chim ăn hoa quả, châu chấu hoặc dế, sau đó cho chúng đi phơi nắng, tập lực. Đến trưa hoặc đầu giờ chiều, anh đem những chú chim của mình đi tắm rồi tiếp tục phơi nắng để con chim có bộ lông đẹp, sẽ ít mắc lỗi khi đem đi thi đấu.

Anh Sáng cho biết, đây là thú vui lành mạnh, khiến bản thân yêu đời: “Qua những giờ lao động vất vả, trở về nhà được chăm sóc chúng, nghe tiếng hót của chúng cảm thấy rất vui. Vào những ngày cuối tuần, mình đem chúng đi giao lưu với anh em cũng mở mang được nhiều kiến thức và mối quan hệ". Có những tháng, cuối tuần nào anh Sáng cũng đem những chú chim của mình đi giao lưu.

Không chỉ riêng anh Sơn hay anh Sáng, hiện nay tại Hải Dương có rất nhiều người chơi chim chào mào lâu năm, được coi như là những nghệ nhân chơi chim, người nuôi ít thì 2 - 3 con, người nuôi nhiều có đến 20 con chim. Họ nắm rất rõ về cách chăm sóc và huấn luyện một chú chim tốt để đem đi thi đấu. Bởi vậy, đã có những CLB chào mào ở các huyện, thị xã, thành phố được lập ra để thỏa mãn đam mê, cũng là nơi giao lưu, học hỏi của những người yêu thích loài chim này.

Thi đấu


Một hội thi chim chào mào ở Gia Lộc thu hút 100 con chim tham gia

Thông qua các CLB chim chào mào, rất nhiều cuộc thi dành cho những chú chim đã được tổ chức. Ngày 27.11 vừa qua, cuộc thi chim chào mào diễn ra trên địa bàn huyện Gia Lộc đã thu hút 100 con chim chào mào đến từ nhiều nơi trong và ngoài tỉnh về tham dự. Để bảo đảm công bằng, Ban tổ chức cuộc thi còn mời riêng đội trọng tài gồm 8 người đến từ Hiệp hội Chào mào miền Bắc về chấm thi. 

Để có thể tham gia cuộc thi, các chủ lồng đến đăng ký vé với chi phí 300.000 đồng/lồng và bốc số báo danh cho những chú chim của mình. Số tiền trên sẽ dùng để làm chi phí tổ chức cuộc thi và trao thưởng cuối chương trình. Đến đúng giờ, các lồng chim được cởi hết áo và trọng tài bắt đầu tính thời gian, cho những chú chim thi đấu với nhau. Mỗi lượt thi kéo dài 5 phút. Ban giám khảo sẽ chấm điểm dựa trên tiếng hót và thái độ của những chú chim trong lồng. Hết 5 phút, những chú chim ngừng hót hoặc có thái độ không tốt sẽ được hạ xuống.

Anh Bùi Quý Sáng, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết: “Con chim khi lên trên giàn có những nét đấu không tốt và bị những lỗi mà Ban tổ chức đưa ra như gãi rỉa, tắm nắng, tắm nước hoặc lơ đấu, bỏ đấu thì sẽ bị hạ. Còn những chú chim nào đấu xuyên suốt thì qua các vòng thi sẽ được lựa chọn để đánh trận chung kết”. Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức trao 30 giải cho những chú chim xuất sắc, từ giải nhất đến giải tốp 30.

Chơi chim không chỉ lấy đi nhiều thời gian mà cũng khá tốn chi phí. Theo những người chơi chim chào mào lâu năm, mỗi con chim chào mào sẽ có giá dao động từ 300.000 đồng đến 2 triệu đồng tuỳ vào vẻ đẹp, tiếng hót và kinh nghiệm của chúng. Một chiếc lồng cho chim sinh sống cũng có giá trong khoảng 200.000 đồng đến 1,5 triệu đồng. Ngoài ra còn kể đến chi phí mua áo lồng, thức ăn cho chim. 

Có thể thấy, mặc dù chăm sóc hơi vất vả, tốn kém nhưng đối với những người chơi chim chào mào thì đó lại là thú vui tao nhã, lành mạnh. Hằng ngày, được nghe tiếng hót trong trẻo của chúng giúp họ yêu đời và làm đẹp hơn cuộc sống.

Chim chào mào thuộc họ chim sẻ biết hót, giọng hót trong trẻo thường từ 3 đến 4 âm thanh, nên chúng ta có thể dễ dàng nhận biết. Đặc điểm nhận dạng một chú chim chào mào là có hai má trắng, mào to dựng đứng lên, bên trên má trắng là má màu đỏ. Ở nước ta có điều kiện tự nhiên phù hợp để chim chào mào sinh sống.

LINH LINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thú chơi chim chào mào