Chăm lo tài sản xã hội: Bài 2: Khi doanh nghiệp là nhà

01/05/2022 14:00

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp của Hải Dương đã có những hoạt động tri ân, chăm lo cuộc sống của người lao động (NLĐ). Nhờ sự quan tâm kịp thời của doanh nghiệp mà NLĐ thêm gắn bó và cống hiến hết mình.

>>> Chăm lo tài sản xã hội: Bài 1: Tiếp sức người lao động


Công ty CP Thời trang YODY (TP Hải Dương) thường xuyên tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động. Ảnh tư liệu

Đãi ngộ thỏa đáng

“Tôi nói với gia đình nơi tôi đang làm việc có rất nhiều cái lạ. Con gái tôi nghe vậy hỏi: Tại sao lại lạ hả mẹ? Tôi đã không ngại ngần trả lời: Lạ bởi YODY có những thứ mà ở những nơi trước đây mẹ làm chưa từng thấy”. Những cái lạ mà chị Nguyễn Thị Hằng, công nhân Công ty CP Thời trang YODY (TP Hải Dương) nói ở đây là những chính sách đãi ngộ của doanh nghiệp này với NLĐ. Chị Hằng chia sẻ: “NLĐ ở YODY có môi trường làm việc thoải mái. Nơi đây có thư viện riêng, phòng xem phim, thậm chí có cả nơi để chúng tôi có thể chơi điện tử vào giờ nghỉ. Khi làm việc tốt, tôi còn được lãnh đạo công ty gửi thiệp cảm ơn…”.

Theo chị Nguyễn Thị Ngân, đại diện Công ty CP Thời trang YODY, đến YODY làm việc, mỗi công nhân, NLĐ đều tìm thấy giá trị của mình. YODY đã xây dựng được “Quỹ hạnh phúc” với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng để hỗ trợ cán bộ, nhân viên, NLĐ khó khăn. Hằng tháng, ngoài các ngày nghỉ theo quy định, các phòng, ban còn được nghỉ thêm 1 ngày để tổ chức các hoạt động vui chơi, du lịch, sinh hoạt đội nhóm…

Thời gian qua, do tác động của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh gặp khó khăn nhưng nhờ xác định còn NLĐ là còn có cơ hội phát triển nên không ít nơi đã có những chính sách quan tâm đặc biệt đến họ. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh nước sạch Hải Dương cho biết doanh nghiệp hiện có hơn 900 NLĐ. Ở mỗi lĩnh vực, bộ phận sản xuất, công ty đều có chế độ đãi ngộ cho NLĐ thỏa đáng. Đợt dịch Covid-19 vừa qua, những lao động mắc bệnh điều trị ở nhà ngoài được hưởng nguyên lương còn được công ty hỗ trợ thêm 80.000 đồng/ngày. Cũng do dịch bệnh, hơn 2 năm qua không thể tổ chức cho NLĐ đi du lịch định kỳ nên công ty đã tặng mỗi NLĐ 2,5triệu đồng. 

Sự phát triển của doanh nghiệp, nhất là uy tín và thương hiệu trên thị trường có sự đóng góp không nhỏ của NLĐ. Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh coi việc tổ chức các hoạt động chăm lo cho NLĐ không chỉ là trách nhiệm mà còn là nét đẹp văn hóa của doanh nghiệp. Nhờ đó, doanh nghiệp đã khơi gợi được tinh thần làm việc hết mình, không ngại khó, luôn vươn lên, sáng tạo không ngừng của NLĐ.


Công ty TNHH Shint BVT là một trong số ít doanh nghiệp của tỉnh sớm xây dựng được nhà trẻ cho công nhân gửi con miễn phí

Sẵn sàng cống hiến

Thời gian này, mặc dù phải liên tục tăng ca để bảo đảm thời gian giao hàng cho đối tác nhưng chị Phạm Thị Hương, công nhân Công ty TNHH Shint BVT ở phường Thạch Khôi (TP Hải Dương) vẫn vui vẻ và yên tâm làm việc vì những chế độ đãi ngộ mà doanh nghiệp đã dành cho chị suốt thời gian qua. Chị Hương cho biết: "Khi chúng tôi coi doanh nghiệp là nhà thì sẽ sẵn sàng cống hiến, làm việc hết mình. Mỗi sáng đi làm cùng đưa con đến nhà trẻ của công ty, tôi thấy rất yên tâm”.

Công ty TNHH Shint BVT là một trong số ít doanh nghiệp của tỉnh sớm xây dựng được nhà trẻ cho công nhân, NLĐ gửi con miễn phí. Đơn vị cũng thực hiện nhiều chương trình, mô hình chăm lo NLĐ. Theo chị Lê Thị Kim Thoa, Chủ tịch Công đoàn công ty, đây chính là cách để doanh nghiệp giữ chân NLĐ. Vì dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp may mặc rất khó khăn trong tuyển dụng lao động thì ở đây không lo thiếu người làm. Vào lúc dịch bệnh căng thẳng, công ty thực hiện mô hình “3 tại chỗ”, nhiều công nhân, NLĐ sẵn sàng xa gia đình, ăn ngủ tại công ty để làm việc. 

Hơn 2 năm qua, dịch Covid-19 đã khiến không ít doanh nghiệp của tỉnh gặp khó khăn. Nhiều nơi phải ngừng hoạt động, công nhân, NLĐ phải nghỉ việc luân phiên để phòng chống dịch. Đáp lại sự đãi ngộ ân tình của doanh nghiệp, dù phải nghỉ việc dài ngày, lương giảm, thưởng không có nhưng không ít NLĐ đã cùng doanh nghiệp vượt khó, sẵn sàng quay trở lại làm việc khi dịch bệnh được kiểm soát. Chị Nguyễn Thị Thanh Xuân, phụ trách nhân sự Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam ở khu công nghiệp Phúc Điền (Cẩm Giàng) khẳng định: "Đây cũng là một trong những lý do để không ít NLĐ của doanh nghiệp vừa hăng say sản xuất, vừa có những sáng kiến kinh nghiệm, cải tiến kỹ thuật làm lợi cho công ty hàng chục tỷ đồng”.

Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã nhấn mạnh đến vai trò nguồn nhân lực đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh. Đồng chí cho rằng cần phải tạo ra hệ sinh thái ở và làm việc có tính bền vững cho NLĐ tại Hải Dương. Để làm được điều đó thì ngoài những chính sách riêng của tỉnh còn cần sự quan tâm, chăm lo của chính các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. 

MẠNH ANH

-------------
Bài cuối: Chỗ dựa tin cậy

(0) Bình luận
Chăm lo tài sản xã hội: Bài 2: Khi doanh nghiệp là nhà