Chuyện ở một gia đình yêu sách

21/04/2022 13:01

Gia đình ông Phạm Văn Thăng ở thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng (Bình Giang) là tấm gương sáng về phong trào đọc sách và học tập của địa phương.

Ông Thăng đang lưu giữ hàng trăm đầu sách

Ngôi nhà của vợ chồng ông Phạm Văn Thăng (sinh năm 1942) nằm trong một ngõ nhỏ ở thôn Châu Khê. Ngôi nhà râm mát dưới giàn bầu là nơi tề tựu mỗi dịp lễ, Tết của đại gia đình 29 người gồm vợ chồng ông và các con, cháu đều là những người yêu sách.

Vượt ra khỏi lũy tre làng

Mồ côi cha từ năm 4 tuổi, tuổi thơ vất vả đã hun đúc tinh thần vượt khó, khao khát học tập của ông Thăng để vượt ra khỏi lũy tre làng. Ông là một trong hai người học hết cấp II của thôn Châu Khê ngày ấy.

Năm 17 tuổi, ông Thăng lập gia đình với bà Nguyễn Thị Nghiên, người cùng làng. Thu xếp xong việc gia đình, ông đi học trung cấp sư phạm tại Hà Nội, tốt nghiệp năm 1962. Trong quá trình học tập, ông nhịn ăn, nhịn mặc, tìm mua sách cũ bằng số tiền hạn hẹp được Nhà nước cấp cho đi học. Sau khi ra trường, ông về quê công tác tại Trường cấp II của huyện Bình Giang.

Vừa dạy môn toán, ông vừa được hiệu trưởng nhà trường tin tưởng giao xây dựng thư viện trường. Ông đã vận động đông đảo cán bộ, phụ huynh, người dân ủng hộ, từ đó mua được hơn 1.000 đầu sách các lĩnh vực để xây dựng thư viện trường. Năm 1964, trường cấp II của huyện giải thể để thành lập trường tại các xã, ông trở thành Hiệu trưởng Trường cấp II điểm toàn huyện ở xã Thái Học. Số sách tại thư viện trường cũ được chia cho các trường mới thành lập. Thời gian này, ông tích cực dịch sách dạy toán bằng tiếng Pháp, bồi dưỡng học sinh giỏi đạt kết quả cao nên 5 năm liền (1963-1968), ông được công nhận là chiến sĩ thi đua.

Năm 1968, ông đi học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I (cũ), tốt nghiệp về công tác tại Phòng Giáo dục huyện Bình Giang. Sau này, ông trải qua nhiều chức vụ như Trưởng Phòng Giáo dục huyện Bình Giang, Phó Trưởng Phòng Giáo dục huyện Cẩm Bình (cũ), Chánh Văn phòng UBND huyện Cẩm Bình, Phó Chủ tịch HĐND huyện Bình Giang, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Bình Giang.

Quan tâm khuyến học

Trong những năm công tác, ông thường xuyên mượn sách của Thư viện huyện về nghiên cứu. Việc nỗ lực học tập không ngừng đã giúp ông có nền tảng kiến thức để tham mưu giúp lãnh đạo HĐND, UBND huyện Cẩm Bình (cũ), Bình Giang giải quyết nhiều việc khó như tranh chấp đất đai, đơn xin ra khỏi tổ chức… Ngoài tiếng Pháp, sau này ông Thăng còn tự học thêm tiếng Hán để đọc tài liệu, dịch câu đối, gia phả, tìm về với cội nguồn. Tham gia công tác khuyến học huyện trong 20 năm, ông đã vận động được khoảng 1 tỷ đồng cho Quỹ Khuyến học của huyện và xã Thúc Kháng.

Vợ chồng ông Thăng có 7 người con gồm 5 nữ, 2 nam. Là lãnh đạo Phòng Giáo dục huyện nhiều năm nhưng ông thường nói với các con: “Việc học là của các con, lo cho con học tập là của bố mẹ. Ai học được thì bố mẹ nuôi ăn học, không học được thì về làm ruộng”. Từ tinh thần ấy, 7 người con đều là cử nhân. Trong số 20 người cháu của vợ chồng ông, 4 người tốt nghiệp thạc sĩ tại Việt Nam và nước ngoài, trong đó 1 người có 2 bằng đại học; 6 người là cử nhân, còn lại đang học THPT và đại học. Gia đình ông cũng xây dựng được Quỹ Khuyến học, đến nay có gần 300 triệu đồng do vợ chồng người con cả quản lý. Vào mùng 2 Tết Nguyên đán hằng năm, đại gia đình tề tựu tại ngôi nhà của ông bà để kính lễ gia tiên và khen thưởng con cháu học giỏi.

Ông Phạm Văn Quang, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Bình Giang cho biết: "Ông Thăng là cán bộ tâm huyết trong phong trào khuyến học, khuyến tài. Nhờ một phần công sức của ông, huyện được đánh giá là một trong những địa phương có phong trào khuyến học sôi nổi thuộc top đầu của tỉnh".

Ông Thăng đang lưu giữ vài trăm đầu sách, đại gia đình ông sở hữu hàng nghìn đầu sách với các chủ đề từ ngoại ngữ, khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội… Yêu mến, trân trọng kho tàng tri thức của nhân loại, gia đình ông Thăng đã trở thành tấm gương sáng về phong trào đọc sách và học tập của địa phương.

BÌNH AN

(0) Bình luận
Chuyện ở một gia đình yêu sách