Thời cơ và thách thức lớn sau hơn 1 tháng thực hiện Nghị quyết 128

16/11/2021 07:30

Thực hiện Nghị quyết 128 giúp tỉnh ta từng bước hồi phục phát triển kinh tế nhưng lại đặt ra áp lực lớn bởi dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài, với nhiều ổ dịch phức tạp ở một số địa phương.


Nhiều nơi trong tỉnh đang lấy mẫu xét nghiệm diện rộng để sàng lọc SARS-CoV-2 và kiểm soát dịch bệnh


Nghị quyết 128/NĐ-CP ngày 11.10.2021 của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 kể từ khi được áp dụng đã giúp Hải Dương từng bước khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng đặt ra những thách thức lớn hơn.

Tín hiệu vui và nguy cơ

Một trong những mục tiêu quan trọng mà Nghị quyết 128 hướng tới là khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp với bảo đảm phòng chống dịch, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể.

Thực hiện Nghị quyết 128, Hải Dương đã tháo dỡ tất cả các chốt kiểm soát dịch, người dân đi lại thuận tiện hơn, đời sống sinh hoạt thoải mái hơn. Nhiều hoạt động tập trung được phép tổ chức; vận chuyển hàng hóa thông thoáng hơn; các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, quán ăn được nới lỏng hoạt động… Rất nhiều gam màu tươi sáng đã xuất hiện. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 đạt 113,8%, tăng 0,8% so với tháng 9. Nghị quyết 128 chính là thời cơ để Hải Dương đẩy mạnh thực hiện mục tiêu kép, vươn lên hoàn thành những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. 

Tuy nhiên, từ khi thực hiện Nghị quyết 128, những nguy cơ cũng bắt đầu nảy sinh, đe dọa đến mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, ảnh hưởng đến kế hoạch khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Từ ngày 12.10-14.11, Hải Dương có 7.622 người về từ tỉnh ngoài, trong đó có 1.726 trường hợp về từ các tỉnh, thành phố phía Nam. Nhiều người dân từ vùng dịch về đã mang theo mầm bệnh và làm lây nhiễm ra cộng đồng. Ở một số nơi như xã Hồng Quang (Thanh Miện), xã Minh Hòa (Kinh Môn)… do chính quyền địa phương chưa làm tốt việc theo dõi, giám sát chặt người cách ly y tế tại nhà cộng với ý thức kém của một bộ phận người dân nên đã làm xuất hiện các ổ dịch.

Từ ngày 12.10-14.11, Hải Dương có 224 ca mắc Covid-19, trong đó 44 ca có yếu tố dịch tễ từ các tỉnh có dịch, 129 trường hợp là F1 của những người này, 9 ca được phát hiện qua sàng lọc ho sốt cộng đồng, 2 ca phát hiện qua giám sát cộng đồng nguy cơ và 40 trường hợp trong khu phong tỏa. Toàn tỉnh đang có nhiều ổ dịch lớn ở các xã, phường: Tân Phong (Ninh Giang), Ngọc Châu, Cẩm Thượng, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương), Minh Tân (Kinh Môn), Cổ Dũng (Kim Thành), Văn An (Chí Linh). Riêng ổ dịch ở xã Tân Phong vẫn đang diễn biến rất phức tạp với 79 ca mắc chỉ trong vài ngày. Đáng lo ngại là số ca mắc Covid-19 vẫn tăng lên từng ngày, nhiều trường hợp chưa thể xác định được nguồn lây. Dịch đã tấn công mạnh vào trường học và đang len lỏi vào doanh nghiệp, nếu không kiểm soát tốt thì rất có thể sẽ gây ra những hệ quả khôn lường…


Nghị quyết 128 được coi là đã "cởi trói", giúp doanh nghiệp khôi phục phát triển sản xuất


“Lỏng ngoài, chặt trong”

Hải Dương đang nỗ lực triển khai các biện pháp cấp bách nhằm kiểm soát và ngăn chặn một làn sóng dịch Covid-19 mới. Ngành y tế và các địa phương mở rộng lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 diện rộng, đặc biệt là nhóm đối tượng nguy cơ cao để chủ động phát hiện sớm các ca mắc Covid-19 không có triệu chứng, làm cơ sở để khoanh vùng, dập dịch nhanh nhất có thể. Toàn tỉnh đã kích hoạt lại tổ công tác phòng chống dịch để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tại những điểm nóng về dịch. Cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 các cấp phân công cán bộ tăng cường đi cơ sở để giám sát, theo dõi, chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại địa bàn được phân công...

Hải Dương đang nỗ lực bao phủ vaccine Covid-19 toàn dân. Tiếp tục tăng cường quản lý, giám sát chặt người từ vùng có dịch về địa phương theo phương châm “lỏng ngoài, chặt trong”. Rút kinh nghiệm từ những hạn chế trong thời gian qua, các địa phương có nhiều giải pháp linh hoạt hơn kiểm soát người từ tỉnh ngoài về thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền người dân tự giác khai báo y tế. Vận động người từ vùng có dịch trở về đi cách ly tập trung. Với những người cách ly tại nhà, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác giám sát, theo dõi, quản lý. Lãnh đạo huyện, xã, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 các cấp kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục… Hai huyện Thanh Miện, Ninh Giang còn cho những người từ vùng có dịch về tạm thời đi cách ly tập trung 1 ngày, 1 đêm để lấy mẫu xét nghiệm, nếu âm tính và đã tiêm vaccine phòng Covid-19 thì cho về nhà theo dõi sức khỏe hoặc cách ly y tế. 

Các cơ sở y tế trong tỉnh đã và đang tích cực chuẩn bị phương án nhằm đáp ứng năng lực cấp cứu, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 trong tình hình mới. Để giảm tải sức ép cho các cơ sở y tế, các địa phương đang tích cực rà soát, thành lập thêm các cơ sở cách ly tập trung, điều trị F0 không có triệu chứng theo phương châm “4 tại chỗ”. Sở Y tế đã có hướng dẫn tạm thời cách ly F1 tại nhà. Tỉnh giao các địa phương phê duyệt ngay kế hoạch thành lập trạm y tế lưu động theo hướng dẫn. Công tác tuyên truyền đang được các cấp, ngành đẩy mạnh dưới nhiều hình thức nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong thực hiện nguyên tắc 5K để giảm bớt nguy cơ lây lan dịch bệnh...

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Thời cơ và thách thức lớn sau hơn 1 tháng thực hiện Nghị quyết 128