Hoạt động HĐND cấp xã còn hạn chế

02/11/2022 05:45

Do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, HĐND cấp xã hiện chưa phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.


Tại xã Nam Hưng (Nam Sách), cử tri phản ánh nhiều vấn đề bức xúc trực tiếp với UBND xã thay vì kiến nghị với chính quyền thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri. Trong ảnh: Kỳ họp thứ ba HĐND xã Nam Hưng khóa XXII nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra ngày 28.7.2022

HĐND cấp xã là cấp gần dân nhất, nơi mọi chính sách được thực thi, tác động trực tiếp đến người dân nhưng đang hoạt động mờ nhạt. Hai chức năng chính của HĐND là quyết định và giám sát chưa được phát huy tốt.

Chưa phát huy hết vai trò đại biểu

Đến ngày 25.9, toàn tỉnh có 5.713 đại biểu HĐND cấp xã, giảm 47 đại biểu so với đầu nhiệm kỳ 2021-2026, chủ yếu do nghỉ hưu, chuyển công tác và xin thôi làm nhiệm vụ. Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu HĐND cấp xã do cử tri ở xã bầu ra, phải liên hệ chặt chẽ với cử tri nơi mình thực hiện nhiệm vụ đại biểu, có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri. Trách nhiệm, quyền hạn là thế nhưng nhiều đại biểu HĐND cấp xã hiện nay chưa nhận thức được tầm quan trọng. Mang vai trò thay mặt nhân dân giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương và quyết nghị những vấn đề quan trọng nhưng 2 vai trò này đều mờ nhạt ở nhiều HĐND cấp xã. Theo bà Nguyễn Thị Khởi, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phủ, đại biểu HĐND xã Thái Học (Bình Giang), hầu hết  đại biểu HĐND xã là người đảm nhiệm cùng lúc nhiều vai trò và đang công tác thì mới hoạt động sôi nổi. Những đại biểu là người đã về hưu, hoạt động trong các hội, không liên quan gì nhiều đến các công việc của địa phương thì đa phần hoạt động hời hợt, nhiều người từ đầu đến cuối nhiệm kỳ ít tham gia hoạt động giám sát.

Nhiệm kỳ 2016-2021, các HĐND cấp xã trên địa bàn tỉnh ban hành gần 14.000 nghị quyết. Số lượng này tương đối nhiều nhưng chủ yếu là các nghị quyết mang tính thường kỳ về kinh tế-xã hội, quyết toán, dự toán, thu chi ngân sách, biên chế... Trong khi đó, việc nghiên cứu, ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật mang tính chất đặc thù, quy định về cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế-xã hội chiếm số lượng ít. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND xã Hồng Đức (Ninh Giang) ban hành 2 nghị quyết chuyên đề. Đây là một trong số ít đơn vị ban hành được nghị quyết chuyên đề tại kỳ họp HĐND cấp xã.

Trong lĩnh vực giám sát, tiếp xúc cử tri, nhiều HĐND cấp xã chưa tạo được sức hút với cử tri, tập trung vào các vấn đề bức xúc được cử tri quan tâm. Ở xã Nam Hưng (Nam Sách), cử tri ít nêu kiến nghị đến HĐND xã mà trực tiếp kiến nghị với UBND xã để được giải quyết nhanh hơn. Ông Mạc Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nam Hưng cho biết do đặc thù ở cấp xã, nhiều người dân khi có vấn đề thường không kiến nghị với đại biểu HĐND xã, không đợi đến hội nghị tiếp xúc cử tri mà gặp trực tiếp các bộ phận chuyên môn ở UBND xã để kiến nghị, nhiều cuộc tiếp xúc cử tri khó thu hút được người dân quan tâm tham dự và nêu ý kiến.

Cần quyết tâm đột phá

Dẫn đến tình trạng mờ nhạt hiện nay có nguyên nhân khách quan từ cơ chế, chính sách với đội ngũ đại biểu HĐND xã nhưng cũng có nhiều nguyên nhân chủ quan xuất phát từ chính những người đại biểu dân cử. Do đó, khi chủ trương, chính sách chưa thay đổi thì cần quyết tâm đột phá từ chính những đại biểu mang trong mình trách nhiệm đại diện nhân dân.

Hoạt động giám sát của HĐND xã Hồng Đức được đánh giá tiêu biểu ở huyện Ninh Giang. Trao đổi về kinh nghiệm nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND cấp xã, ông Nguyễn Quý Chiều, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hồng Đức cho biết: "Sau giám sát, Thường trực HĐND xã không chỉ dừng lại ở việc thông báo kết quả giám sát và kiến nghị mà còn trực tiếp phân công cán bộ đôn đốc, bám sát, theo dõi các đơn vị thực hiện các kiến nghị qua giám sát. Bên cạnh đó, tại các kỳ họp HĐND, chủ tọa phải có tư duy sâu sắc trong từng vấn đề được đưa ra thảo luận, từ đó gợi mở cho các đại biểu tham gia thảo luận, tranh luận sôi nổi để đi đến quyết nghị hợp lý nhất".

Từ năm 2020, một số thôn ở xã Hồng Đức xuất hiện tình trạng không minh bạch trong thu chi các khoản huy động đóng góp của nhân dân gây dư luận không tốt. Trước vấn đề này, Thường trực HĐND xã Hồng Đức đã kịp thời tổ chức đoàn giám sát chuyên đề. Sau giám sát, các khoản thu chi được công khai, minh bạch, thực hiện đúng quy định, giúp củng cố niềm tin của nhân dân vào chính quyền để tiếp tục đồng lòng thực hiện các nhiệm vụ của địa phương.

Từ kinh nghiệm hoạt động của một đại biểu Quốc hội và qua thực tế phản ánh những lần tiếp xúc cử tri tại nhiều địa phương trong tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng muốn nâng cao chất lượng HĐND cấp xã thì người đại biểu cần nỗ lực, quyết tâm tự nâng cao năng lực của mình. Đại biểu HĐND cấp xã cũng là những người sinh sống tại địa phương trong phạm vi nhỏ, có điều kiện thuận lợi để nắm bắt tâm tư cử tri hằng ngày mà không nhất thiết phải qua các cuộc tiếp xúc cử tri. "Tự học, nghiên cứu, gắn bó với nhân dân và cử tri là 3 yếu tố then chốt để người đại biểu dân cử hoạt động có hiệu quả. Bên cạnh đó, các cấp có thẩm quyền cần thường xuyên quan tâm tổ chức tập huấn nâng cao năng lực hoạt động cho đội ngũ đại biểu, nhất là đại biểu HĐND cấp xã với kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng còn hạn chế", đồng chí Nguyễn Thị Việt Nga cho biết.

PHẠM TUYẾT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hoạt động HĐND cấp xã còn hạn chế