Nhận thức đúng về phòng chống tham nhũng

25/06/2022 09:33

Tham nhũng là một thuộc tính trong xã hội có giai cấp. Chống tham nhũng, vì thế, là cuộc đấu tranh lâu dài, cam go và vô cùng phức tạp.

Thành bại của cuộc đấu tranh này phụ thuộc vào bản lĩnh của đảng cầm quyền, hiệu lực của hệ thống pháp luật và đặc biệt là sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân.

Ở nước ta, tham nhũng được xác định là một trong những nguy cơ hàng đầu đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của chế độ. Chính vì vậy, phòng chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh của toàn Đảng, toàn dân. Mục tiêu của cuộc đấu tranh lâu dài, cam go, phức tạp này là vì nhân dân...
Sở dĩ phải nhắc lại, nhấn mạnh những vấn đề nguyên tắc có ý nghĩa căn bản trên đây là bởi, trong dư luận xã hội (có cả một bộ phận cán bộ, đảng viên) đã và đang nảy sinh những nhận thức lệch lạc về nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Trong những ngày qua, sau khi cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long; cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh và cựu Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc bị khởi tố, bắt tạm giam, dư luận xã hội xuất hiện những thông tin mang tính võ đoán, suy diễn cực đoan, tiêu cực.

Trên không gian mạng, những đối tượng có tư tưởng thù địch, chống đối đã suy diễn rằng, cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiện nay thực chất là “cuộc thanh trừng nội bộ”, là “các phe phái trong Đảng đấu đá lẫn nhau”... Vấn đề này được nhiều phương tiện truyền thông phát tiếng Việt có tư tưởng thù địch ở hải ngoại tập trung khai thác, làm căn cứ để thực hiện các chiến dịch tuyên truyền xuyên tạc, chống phá đất nước với quy mô, cường độ ngày càng tăng...

Cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị giống như là những “đầu tàu”. Khi “đầu tàu” gặp trục trặc, bị hỏng hóc phải thay thế, tất yếu sẽ có ảnh hưởng nhất định đến cả hệ thống. Những dao động, xáo trộn về tâm lý, tình cảm... trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức của hệ thống ấy là trạng thái tâm lý bình thường. Tuy nhiên, nếu để nó diễn biến theo chiều hướng cực đoan, tiêu cực, làm nảy sinh tư tưởng chán nản, bi quan, thậm chí là bất mãn, có những phát ngôn thiếu tinh thần xây dựng, để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước... thì đó là điều không thể chấp nhận. Trong cán bộ, đảng viên và hệ thống chính trị, những biểu hiện đó cũng chính là mầm mống của suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm, cần được chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.
Ở nước ta, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực chính là để làm trong sạch bộ máy, để hệ thống chính trị phục vụ ngày một tốt hơn quyền và lợi ích của nhân dân. Chính vì vậy, việc điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng, tiêu cực, không có mục đích nào khác ngoài việc để cán bộ, đảng viên và cả hệ thống chính trị xứng đáng hơn với niềm tin và sự phó thác của nhân dân.

Với bản chất nhân đạo, nhân văn xã hội chủ nghĩa, việc kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực là để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn, với tinh thần “chặt cành để cứu cây”, “kỷ luật một người để cứu muôn người”... Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần phát biểu, khẳng định, kỷ luật, xử lý đồng chí, đồng đội của mình là rất day dứt, đau xót, nhưng đó là việc phải làm, không thể khác được. Phải làm nghiêm, làm mạnh để ai cũng phải có ý thức giữ mình trong sạch, ai đã trót “nhúng chàm” thì phải tự gột rửa để xứng đáng hơn với niềm tin, sự gửi gắm của nhân dân.

Hiện nay, nhiều địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Tinh thần của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực và chỉ đạo của Tổng Bí thư cần được cụ thể hóa thành chủ trương, giải pháp, hành động thiết thực ở mỗi địa phương. Đặc biệt là vai trò của công tác kiểm tra. Công tác kiểm tra phải đi trước một bước để sớm phát hiện, ngăn chặn, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngay trong mỗi tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Sự đi trước của tổ chức đảng trong kiểm tra, xử lý sai phạm vừa là tính tiên phong trong lãnh đạo, vừa thể hiện tính nhân đạo, nhân văn, mọi chủ trương, hành động của Đảng đều vì lợi ích quốc gia, dân tộc và quyền lợi của nhân dân.

PHAN TÙNG SƠN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhận thức đúng về phòng chống tham nhũng