Quy định mới về miễn nhiệm, từ chức thể hiện tinh thần của Đảng về kiểm soát quyền lực

10/11/2021 10:02

PGS,TS Nguyễn Văn Giang, nguyên Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trao đổi về Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.

PGS,TS Nguyễn Văn Giang

- Việc xem xét miễn nhiệm cán bộ trong Quy định số 41 nêu rõ từng trường hợp cụ thể như: Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút không thể đảm nhiệm chức vụ được giao; bị kỷ luật khiển trách hai lần trở lên trong cùng một nhiệm kỳ hoặc trong thời hạn bổ nhiệm, có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định…đồng chí đánh giá thế nào về những điểm mới này?

PGS, TS Nguyễn Văn Giang: Tôi cho rằng về mặt nội dung thì điểm mới và quan trọng nhất của Quy định số 41-QĐ/TW là thể hiện một số nội dung mới theo tinh thần mới về chỉnh đốn Đảng, quy định lại những căn cứ về miễn nhiệm đối với cán bộ và những căn cứ để xem xét cho từ chức đối với những cán bộ chưa đủ năng lực, phẩm chất.

So với Quy định số 260-QĐ/TW thì việc xem xét miễn nhiệm cán bộ trong Quy định lần này gọn hơn nhưng rõ hơn. Chẳng hạn quy định miễn nhiệm 6 trường hợp, rất rõ, đọc là thấy ngay.

Việc xem xét miễn nhiệm cán bộ được căn cứ vào một trong các trường hợp sau: Kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút không thể đảm nhiệm chức vụ được giao; bị kỷ luật khiển trách hai lần trở lên trong cùng một nhiệm kỳ hoặc trong thời hạn bổ nhiệm; có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định; có hai năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ; bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác; bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm.

Tôi thấy, về mặt nội dung thì bớt đi quy định về thôi giữ chức vụ mà tập trung vào xử lý vấn đề miễn nhiệm, từ chức. Điều này thể hiện quan điểm mới của Đảng, Nhà nước ta.

Hơn nữa, quy định mới còn bổ sung những trường hợp về việc xem xét miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu khi cấp có thẩm quyền kết luận để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách xảy ra tham nhũng, tiêu cực; căn cứ vào từng trường hợp cụ thể như: Có hai năm liên tiếp xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ; người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tùy tính chất, mức độ sai phạm để xem xét cho từ chức; cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.

Việc xem xét miễn nhiệm cán bộ, trong đó nêu ra vấn đề có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định. Tôi thấy đây là điểm quy định mới, giúp nâng cao vai trò, hiệu quả việc lấy phiếu tín nhiệm. Đồng thời, đây là quy định mới rất mạnh, thể hiện tinh thần mới của Đảng về đổi mới công tác cán bộ, về kiểm soát quyền lực. Đối với những cán bộ bị kỷ luật thì đã rõ rồi nhưng đối với những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ hoặc phẩm chất không còn đủ uy tín nhưng chưa đến mức phải kỷ luật thì căn cứ vào quy định mới này có thể kịp thời thay thế, không phải đợi đến hết nhiệm kỳ.

- Quy định số 41-QĐ/TW nói rõ vấn đề cán bộ đã từ chức và bố trí công tác khác, nếu được cấp có thẩm quyền đánh giá tốt, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và khắc phục được những yếu kém, sai phạm, khuyết điểm thì có thể được xem xét để quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo quy định, đồng chí đánh giá thế nào về điểm mới này?

PGS, TS Nguyễn Văn Giang: Đây là quy định mở để khuyến khích những trường hợp cán bộ từ chức nhưng cán bộ đó vẫn có năng lực và có thể có những sai lầm, khuyết điểm chưa phải ở mức nghiêm trọng thì những trường hợp đó, cán bộ phấn đấu tốt thì có thể tiếp tục sử dụng họ. Hơn nữa, tôi thấy quy định này rất cần thiết để “mở cửa”, khuyến khích cán bộ mạnh dạn từ chức khi thấy có vi phạm, vì sau đó họ vẫn có cơ hội phát triển bản thân nếu sửa chữa tốt khuyết điểm. Nếu cán bộ từ chức rồi mà không còn đường nào để thăng tiến nữa thì khó thúc đẩy việc từ chức.

- Trước đó Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định số 37-QĐ/TW do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký về những điều đảng viên không được làm, thay thế Quy định số 47 năm 2011, đồng chí đánh giá thế nào về sự thay đổi này?

PGS, TS Nguyễn Văn Giang: Đây là điều chỉnh để đáp ứng với tình hình mới, Quy định số 37-QĐ/TW vẫn giữ khung 19 điều cấm đảng viên không được làm nhưng bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tế. Điều này để khẳng định là cần thiết bởi những điều chỉnh mới sẽ đáp ứng được tình hình thực tế.

- Quy định mới giữ nguyên 19 điều đảng viên không được làm như trước nhưng kế thừa cơ bản nội dung còn phù hợp, xin đồng chí cho biết sự thay đổi này sẽ tạo thuận lợi như thế nào trong bối cảnh nước ta hiện nay?

PGS, TS Nguyễn Văn Giang: Quy định 19 điều đảng viên không được làm đã quen đối với các đảng viên rồi nên vẫn giữ nguyên là hợp lý và chỉ bổ sung những quy định cụ thể mới chứ không thay đổi về số lượng các điều để không làm mất đi thói quen đã ghi nhớ trong đảng viên từ nhiều năm nay. Tôi cho rằng, điểm mới trong quy định này rất hợp lý.

Quy định mới nhấn mạnh đảng viên không được "lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”, đáp ứng sự thay đổi của tình hình và nhu cầu thực tế xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Theo Quân đội nhân dân

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quy định mới về miễn nhiệm, từ chức thể hiện tinh thần của Đảng về kiểm soát quyền lực