Sau 2 năm sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã: Mở hướng phát triển mới

09/07/2022 15:25

Năm 2019, toàn tỉnh đã sắp xếp nhập 55 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập mới 25 đơn vị, giảm 30 đơn vị. Sau hơn 2 năm sáp nhập, các đơn vị hành chính cấp xã được sáp nhập có vấn đề gì đáng chú ý?


Bài cuối: Tạo vị thế mới để phát triển


Xã Định Sơn (Cẩm Giàng) đã huy động được nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Trong ảnh: Xã đã xây dựng được vùng sản xuất rau tập trung và liên kết trồng rau xuất khẩu (Ảnh tư liệu)

Cũng như các nơi khác, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 song các đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập đã nỗ lực vượt khó để phát triển kinh tế - xã hội.

Một mục đích quan trọng của sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã là tạo ra không gian địa lý rộng hơn, nguồn lực phát triển nhiều hơn. Sau hơn 2 năm nhìn lại, hầu hết các đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập đã khai thác, sử dụng khá hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, đồng thời từng bước tạo nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Đầu tư nhiều công trình

Xã Yết Kiêu (Gia Lộc) hiện nay được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 xã cũ là Yết Kiêu, Trùng Khánh và Gia Hòa. Việc sáp nhập đã giúp Yết Kiêu tạo ra vị thế mới để phát triển. Địa phương này hiện có diện tích 11,53 km2, gồm 16 thôn, gần 17.000 nhân khẩu, phía đông giáp thị trấn Gia Lộc, phía bắc giáp TP Hải Dương và huyện Cẩm Giàng.

Về Yết Kiêu những ngày này có thể thấy sức sống mới trên quê hương của vị tướng bơi lội nổi tiếng thời nhà Trần. Nhiều công trình hạ tầng vừa hoàn thành và đang được thi công giúp diện mạo địa phương đổi thay. Ông Trần Đình Biên, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Sau sáp nhập, khó khăn cũng nhiều nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của huyện, sự quyết tâm, đồng lòng của cán bộ, người dân, Yết Kiêu đã triển khai, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đạt được những kết quả đáng ghi nhận”.

6 tháng đầu năm nay, Yết Kiêu đã đầu tư xây dựng 3 tuyến đường dài 800 m tại 3 thôn với tổng giá trị hơn 1,1 tỷ đồng; xây dựng 1 tuyến kênh cấp 1 dài 515 m; tu bổ một số tuyến đường, kênh mương khác. Các Trường Tiểu học Trùng Khánh, Gia Hòa cũng được sửa chữa, làm thêm một số hạng mục. Xã vừa hoàn thành, cải tạo, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ điểm xã Yết Kiêu cũ và đang cải tạo nghĩa trang liệt sĩ ở điểm xã Trùng Khánh (cũ)… Không chỉ đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng giúp nhân dân hưởng lợi, chính quyền xã Yết Kiêu còn có một số biện pháp hỗ trợ giúp người dân bớt khó khăn. Năm 2021, chính quyền xã giảm mức khoán thầu cho người dân ở khu vực nuôi thủy sản tại nhiều thôn của xã Trùng Khánh cũ.

Năm 2021, Yết Kiêu hoàn thành lập quy hoạch chung xây dựng xã, giúp địa phương có căn cứ hoạch định phát triển. Địa phương đang thực hiện đồng bộ các biện pháp để phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đáng chú ý, nơi này đang triển khai 2 dự án khu dân cư mới với tổng diện tích 19 ha; quy hoạch Dự án cụm công nghiệp Yết Kiêu với diện tích gần 67 ha. Khi hoàn thành, các dự án này sẽ tạo ra cú hích mới để phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tìm hiểu thực tế tại nhiều xã, thị trấn sau sáp nhập khác cũng cho thấy những sự phát triển đáng ghi nhận. Xã Hồng Dụ (Ninh Giang) là một điển hình. Sau sáp nhập, xã này (sáp nhập từ 2 xã Hồng Thái, Hồng Dụ) đã đầu tư xây dựng, tu sửa, nâng cấp nhiều công trình hạ tầng thiết yếu, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đi làm đồng trên con đường bê tông rộng rãi được đưa vào sử dụng từ đầu năm nay, bà Trịnh Thị Hệ, 65 tuổi, ở thôn Tiêu Tương cho biết: “Trước đây con đường này là đường đất, đi lại, sản xuất rất khổ. Từ khi xã quan tâm đổ bê tông con đường giúp đi lại giữa thôn Tam Tương và Tiêu Tương thuận tiện”.

Ông Ngô Văn Luận, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Dụ đánh giá: “So với trước sáp nhập, kinh tế xã Hồng Dụ hiện nay đã có chuyển biến rõ rệt, phát triển hơn trước”. Nhờ sự quan tâm đầu tư của cấp trên cùng với sự năng động khai thác các nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, xử lý đất dôi dư, vận động xã hội hóa…, Hồng Dụ đã có nguồn lực mạnh để xây dựng nhiều công trình, dự án. Địa phương đã hoàn thành các công trình xây dựng nhà 2 tầng 4 phòng học bộ môn trường THCS với kinh phí 3,3 tỷ đồng; làm đường bê tông từ trạm bơm 3 vòi thôn Tiêu Tương đến trạm biến áp thôn Tam Tương dài 500 m, kinh phí 1,6 tỷ đồng; xây nhà văn hóa thôn Dậu Trì với kinh phí gần 700 triệu đồng; xây dựng nghĩa trang liệt sĩ xã Hồng Dụ cũ, kinh phí 6,4 tỷ đồng; tu sửa trụ sở làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND xã với số tiền đầu tư 1,6 tỷ đồng… Xã đang triển khai xây dựng nhà văn hóa thôn Thượng Đồng với kinh phí dự toán 1,3 tỷ đồng.

Sau sáp nhập, xã Hồng Dụ (Ninh Giang) đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng thiết yếu, giúp nâng cao đời sống nhân dân. Trong ảnh: Con đường nối 2 thôn Tiêu Tương và Tam Tương được đổ bê tông vào đầu năm nay

Những khó khăn cần khắc phục

Bên cạnh những kết quả và thuận lợi, sau hơn 2 năm sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã cũng còn bộc lộ những khó khăn, hạn chế, vướng mắc cần được tháo gỡ kịp thời.

Hiện nay, trong tư duy của không ít cán bộ, người dân ở các đơn vị hành chính sau sáp nhập vẫn còn mang tính cục bộ địa phương. Họ nghĩ mình vẫn là người của những địa phương cũ lúc chưa sáp nhập, chưa thực sự mang tư duy hòa hợp ở đơn vị hành chính mới. Đây thực sự là một cản trở vô hình nhưng rất nguy hại, cần sớm được giải tỏa để tạo sự thống nhất cho phát triển.

Ở một số nơi, nợ đọng xây dựng cơ bản còn lớn. Xã Đại Sơn (Tứ Kỳ) còn nợ 53,1 tỷ đồng, Ứng Hòe (Ninh Giang) nợ hơn 30 tỷ đồng, thị trấn Cẩm Giang (Cẩm Giàng) nợ 9,3 tỷ đồng…

Về giao thông, một số nơi chưa được đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo đường nối giữa các thôn, giữa thôn với khu vực trung tâm xã nên đi lại còn khó khăn. Ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Định Sơn (Cẩm Giàng) đề nghị tỉnh, huyện quan tâm đầu tư đường vành đai 2 dài 4 km tại địa phương nối liền 2 xã cũ và 1 con đường dài 1,7 km từ một khu dân cư của Cẩm Sơn tới UBND xã hiện nay. Nếu có 2 con đường này sẽ giúp đi lại thuận tiện.

Sẽ tiếp tục phải sắp xếp đơn vị hành chính

Nghị quyết số 37-NQ/TU ngày 24.12.2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã đặt ra mục tiêu đến năm 2021 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã chưa đạt 50% về 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Từ năm 2022-2030, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện giai đoạn 2019-2021, xác định lộ trình thực hiện để đến năm 2030 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phù hợp với Quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính.

Như vậy, từ nay đến năm 2030, việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã vẫn phải tiếp tục theo yêu cầu của Trung ương.

Trong giai đoạn 2019-2021, tỉnh ta đã sớm hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Do đó, việc đánh giá, rút ra những bài học kinh nghiệm về sắp xếp bộ máy, đội ngũ cán bộ, xử lý trụ sở dôi dư, phát triển kinh tế - xã hội… là rất quan trọng, làm cơ sở thuận lợi cho việc sáp nhập giai đoạn tiếp theo.

NINH TUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sau 2 năm sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã: Mở hướng phát triển mới