89 ngày chống dịch ở thành phố mang tên Bác

02/02/2022 05:36

Trong ký ức của bác sĩ Nguyễn Thế Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hải Dương và các đồng nghiệp, những ngày tham gia chống dịch tại TP Hồ Chí Minh là khoảng thời gian không thể nào quên.


Gia đình bác sĩ Nguyễn Thế Anh đoàn tụ sau khi anh hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19

Mệnh lệnh từ trái tim

“Chúng tôi vào đó từ ngày 15.7.2021. Kế hoạch là đến ngày 9.10 sẽ hoàn thành nhiệm vụ và trở lại Hải Dương. Tuy nhiên, đến ngày về vẫn còn mấy chục bệnh nhân đang điều trị nên anh em bảo nhau tiếp tục ở lại chăm sóc. Hai ngày sau, tất cả đã được xuất viện, anh em mới về quê”, bác sĩ Nguyễn Thế Anh chia sẻ.

Đoàn công tác số 1 của Hải Dương với 41 cán bộ, nhân viên y tế vào hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch do bác sĩ Nguyễn Thế Anh làm trưởng đoàn là "đội quân thiện chiến” vì từng có kinh nghiệm làm việc tại các bệnh viện dã chiến ở Hải Dương trong đợt dịch thứ ba và tham gia hỗ trợ tỉnh Bắc Giang chống dịch. Đoàn được giao nhiệm vụ chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại khối nhà B2 Bệnh viện dã chiến số 7 thuộc khu tái định cư phường An Khánh, TP Thủ Đức. “Đợt dịch thứ ba tại Hải Dương ngày nào nhiều cũng chỉ vài chục bệnh nhân nhưng trong TP Hồ Chí Minh có ngày chúng tôi phải tiếp nhận tới 500 ca. Vì thế lúc đầu anh em ai cũng bị tâm lý, áp lực”, bác sĩ Thế Anh nhớ lại.

Thời điểm đó, tại TP Hồ Chí Minh nhiều bệnh nhân là người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai nên việc chăm sóc, điều trị rất vất vả. Do thành phố lúc đó bí nhân lực nên các thành viên trong đoàn kiêm nhiệm hết thảy nhiệm vụ từ chăm sóc, điều trị bệnh nhân đến giặt giũ, vệ sinh, mang cơm, tiếp tế đồ cho người bệnh, thu gom rác thải… Họ làm việc gần như liên tục. Ai mệt thì nghỉ tại trận một chút rồi lại tiếp tục công việc. Có hôm đến 2 giờ sáng mới được ăn bữa tối.

Điều dưỡng Lương Thị Lơ công tác tại Trung tâm Y tế Nam Sách tham gia đoàn công tác cho biết các thành viên ăn nghỉ tại Bệnh viện dã chiến số 7 với điều kiện rất thiếu thốn. Bình quân 10 người ở chung một phòng với một chiếc quạt. Trong phòng lúc đầu không có gì nằm, sau mới được trang bị mỗi người một manh chiếu nhưng cũng không có gối hay đệm… Công việc áp lực, điều kiện ăn uống, sinh hoạt thiếu thốn khiến nhiều thành viên trong đoàn bị suy giảm sức khỏe, sụt cân, ngất xỉu. “Vất vả, thiếu thốn chưa từng có nhưng chúng tôi không ai kêu ca vì khi đã khoác lên mình chiếc áo blouse thì phải làm theo mệnh lệnh từ trái tim, tất cả vì người bệnh”, chị Lơ chia sẻ.

Thời điểm đó hằng ngày tòa nhà B2 Bệnh viện dã chiến số 7 là một trong 3 cơ sở đón lượng bệnh nhân nhiều nhất TP Hồ Chí Minh. Mặc dù vậy, số nhân viên y tế tại đây chỉ bằng 2/3 so với những cơ sở khác. “Trong 89 ngày, đoàn công tác của tỉnh Hải Dương đã chăm sóc, điều trị cho hơn 3.000 bệnh nhân. Ở các cơ sở khác tỷ lệ bệnh nhân tử vong cao nhưng tại tòa B2 thì tỷ lệ tử vong lại thấp nhất”, bác sĩ Thế Anh tự hào cho biết.

Lan tỏa văn hóa người xứ Đông


Các nhân viên y tế Hải Dương tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em là F0 tại Bệnh viện dã chiến số 7

Không chỉ chữa bệnh, đoàn y bác sĩ Hải Dương còn mang theo văn hóa xứ Đông. Tại Bệnh viện dã chiến số 7, nhiều hôm do số lượng bệnh nhân nhập viện tăng cao, chính quyền chưa bố trí được cơm, anh em trong đoàn đã bảo nhau ăn mì tôm để nhường các suất cơm cho người bệnh. Sau này, đoàn tự tổ chức nấu cơm và còn phát cho những người vô gia cư, công nhân khó khăn ở xung quanh bệnh viện.

Tết Trung thu năm 2021, đoàn tổ chức tặng bánh, đèn lồng, cắt bìa carton làm lân sư rồng, biểu diễn phục vụ hơn 30 bệnh nhân là trẻ em. Báo chí tuyên truyền, lan tỏa hoạt động này của đoàn Hải Dương. Các bệnh viện khác thấy thế cũng làm theo. Nụ cười hồn nhiên của trẻ nhỏ giữa tâm dịch chính là liều thuốc tinh thần to lớn để đội ngũ nhân viên y tế Hải Dương không ngừng cố gắng vì người bệnh nơi tâm dịch. 

Các thành viên trong đoàn còn tham gia nhóm "Hội Thầy thuốc Hải Dương ở TP Hồ Chí Minh" trên Facebook. Hằng ngày, dù công việc bộn bề nhưng họ vẫn dành thời gian hướng dẫn bệnh nhân F0 điều trị tại nhà qua điện thoại, tin nhắn. Một số thành viên còn trực tiếp đến các gia đình có F0 nặng để hỗ trợ điều trị, chăm sóc.

Trong máy điện thoại của nhiều nhân viên y tế Hải Dương vào TP Hồ Chí Minh chống dịch hiện vẫn còn lưu nhiều tin nhắn của những người dân TP Hồ Chí Minh gửi lời cảm ơn tinh thần làm việc tận tụy, trách nhiệm, tình cảm của họ.

Xa gia đình 89 ngày là quãng thời gian dài đằng đẵng đối với các thành viên trong đoàn nhưng với họ đây là lần trải nghiệm rất đặc biệt. Các cán bộ, nhân viên y tế của tỉnh đã được “thực chiến” trong môi trường dịch bệnh vô cùng phức tạp, gian nan, nguy hiểm, vất vả. Họ đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu.

Bộ Y tế và TP Hồ Chí Minh đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm, đặc biệt là năng lực chuyên môn của đoàn cán bộ, nhân viên y tế Hải Dương. TP Hồ Chí Minh đánh giá mô hình Bệnh viện dã chiến số 7 tiết kiệm được con người nhưng lại hoạt động hiệu quả. Vì thế họ đã nhờ đoàn công tác của tỉnh Hải Dương hướng dẫn tổ chức lực lượng chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại các cơ sở y tế khác. Kể từ đó, tất cả các bệnh viện tại đây đã áp dụng mô hình 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng chăm sóc cho 100 bệnh nhân theo đề xuất, tham mưu của đoàn Hải Dương, góp phần khắc phục được tình trạng thiếu nhân lực y tế.

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    89 ngày chống dịch ở thành phố mang tên Bác