Cha mẹ cần làm gì khi trẻ mắc COVID-19?

14/02/2022 06:09

Theo các chuyên gia y tế, khi mắc COVID-19, trẻ cũng có thể có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu COVID-19, kể cả di chứng. Vì vậy, cha mẹ cần theo dõi sát trạng thái của trẻ nếu trẻ mắc bệnh.

Theo TS.BS. Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai hiện nay, Việt Nam đã ghi nhận những trường hợp mắc COVID-19 ở lứa tuổi trẻ em, kể cả từ tuổi sơ sinh. Đây là bệnh lây truyền qua đường hô hấp nên tỷ lệ mắc ở trẻ em tương tự như người lớn.

BS Nam cũng cho biết, phần lớn các trường hợp có biểu hiện triệu chứng nhiễm virus như: Sốt, ho, sổ mũi, mệt mỏi...; một số trường hợp có kèm theo các triệu chứng như: Viêm phổi, viêm tiểu phế quản và hồi phục ổn định sau khi kiểm soát các bệnh lý kèm theo. Các diễn biến nặng đa phần xuất hiện trên những trẻ có bệnh nền, mạn tính như: suy giảm miễn dịch, bệnh hệ thống.

Các em học sinh Trường Tiểu học Tân Lập B, huyện Đan Phượng được đo nhiệt độ và hướng dẫn khử khuẩn tay trước khi vào lớp

Chuyên gia y tế này cảnh báo, trong thời tiết lạnh, ẩm như hiện nay, trẻ em vốn rất dễ gặp các vấn đề về đường hô hấp, tiêu hóa. Vì vậy, trẻ đều có khả năng nhiễm các bệnh lý hô hấp, trong đó có COVID-19.

Khi trẻ trở lại trường học trong giai đoạn này, cha mẹ, thầy cô giáo cần phải hướng dẫn cho trẻ những biện pháp phòng chống lây nhiễm bệnh. Nhất là sau khoảng thời gian dài, trẻ hầu như sinh hoạt trong nhà, ít tiếp xúc với môi trường xung quanh nên rất cần phải được rèn luyện thường xuyên các kỹ năng tự bảo vệ trước các nguy cơ từ môi trường xung quanh.

Theo TS.BS Nguyễn Thành Nam, khi trẻ trở lại trường học, cha mẹ cần thực hiện tốt các biện pháp như: Trẻ cần được tiêm phòng ngay khi được phép của Chính phủ, Bộ Y tế; tăng cường sức đề kháng; tránh để trẻ nhiễm lạnh, đảm bảo thông khí tốt trong môi trường sống, học tập; Hướng dẫn trẻ vệ sinh bàn tay đúng cách; sử dụng khẩu trang khi tiếp xúc người khác; bỏ rác thải đúng nơi quy định…

Khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ như: Sốt, viêm đường hô hấp, tiếp xúc yếu tố nguy cơ...trẻ cần được kiểm tra ngay và tránh tiếp xúc với người khác khi chưa có kết quả xét nghiệm.

Đặc biệt, nếu trẻ mắc COVID-19, cha mẹ cần theo dõi sát trạng thái của trẻ. Cụ thể, trẻ có thể được điều trị tại nhà khi trẻ vẫn có những hoạt động, vui chơi tương đối như những ngày khỏe mạnh; đảm bảo được mức độ ăn uống tương đối như ngày khỏe mạnh.

Cha mẹ có thể căn cứ vào các chỉ số sau để quan sát nhịp thở của trẻ:

- Trẻ dưới 2 tháng nhịp thở bình thường dưới 60 lần/phút.

- Trẻ từ 2- 12 tháng có nhịp thở bình thường dưới 50 lần/phút.

- Trẻ trên 12 tháng có nhịp thở bình thường dưới 40 lần/phút.

- Trẻ trên 5 tuổi thở nhanh khi trên 30 lần/phút.

- Trẻ trên 12 tuổi theo các chỉ số tương tự người lớn.

Về việc cần thiết phải tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi, Giáo sư, Tiến sỹ Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, trẻ lứa tuổi 5-11 tuổi nếu tiêm vaccine thì khi mắc bệnh sẽ có ít triệu chứng cũng như triệu chứng nhẹ hơn so với người lớn.

Khi mắc COVID-19 dù ở lứa tuổi nào thì bệnh cũng có các biểu hiện từ không có triệu chứng đến có triệu chứng cho đến nhập viện nặng, tử vong. Với trẻ em qua theo dõi, trẻ cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu COVID-19, kể cả di chứng (được gọi là các di chứng cấp tính của COVID-19). Thậm chí có những trường hợp viêm đa hệ ở trẻ em, đây là biểu hiện nghiêm trọng, viêm cả các cơ quan khác. Những trường hợp hiếm nhưng vẫn có thể ghi nhận trên toàn thế giới. Ngoài ra, việc tiêm vaccine không chỉ bảo vệ bản thân trẻ mà còn giảm đi sự lây nhiễm.

Ngày 10.2 vừa qua, phát biểu tại lễ công bố Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh, Bộ Y tế đang tiến hành các thủ tục để sẵn sàng cho việc tiêm chủng với nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo VOV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cha mẹ cần làm gì khi trẻ mắc COVID-19?