Chăm sóc người mắc bệnh thuỷ đậu thế nào để tránh biến chứng

01/04/2023 17:35

Bệnh thuỷ đậu có thể gây những biến chứng nặng nề, người dân cần biết cách chăm sóc để hạn chế những biến chứng nặng.

Chú thích ảnh

Các nốt phỏng trên da người bệnh thuỷ đậu. Ảnh: BV

Hiện Hà Nội đang xuất hiện nhiều ca mắc thuỷ đậu, thời tiết hiện nay cũng thuận lợi cho bệnh lây lan. Với bệnh thuỷ đậu, có thể gây những biến chứng nặng nề, người dân cần biết cách chăm sóc để hạn chế những biến chứng nặng.

TS.BS Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết: Bệnh thủy đậu do virus Varicella Zoster gây ra. Virus Varicella Zoster gây bệnh thủy đậu chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp, bằng các giọt nước nhỏ trong không khí bắn ra từ đường hô hấp như mũi, miệng của người bệnh, thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với đồ vật như quần áo, chăn gối có vấy bẩn các chất tiết của người bệnh, qua tiếp xúc trực tiếp với chất dịch khi các bọng nước bị vỡ. Đặc biệt, đối với phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu có thể lây cho thai nhi qua nhau thai, gây nên tình trạng mắc thủy đậu bẩm sinh.

Thời gian lây bệnh của thủy đậu kéo dài từ trước khi nổi ban đỏ 1- 2 ngày cho đến khi các bọng nước đóng vảy hoàn toàn.

Bệnh thuỷ đậu có thể gây ra nhiều biến chứng như: Viêm phổi, viêm não; đặc biệt, di chứng sau đó có thể kèm theo như:Điếc, động kinh, chậm phát triển tinh thần vận động… Với trẻ sơ sinh được sinh ra từ mẹ mắc thủy đậu khi mang thai có thể mắc phải các dị tật bẩm sinh. Bệnh thủy đậu không chỉ gặp ở trẻ em mà còn gặp ở người lớn với các biểu hiện đôi khi còn nặng nề hơn.

Theo TS.BS Nguyễn Đăng Mạnh, đối với bệnh thủy đậu, hiện không có biện pháp điều trị đặc hiệu; việc điều trị bệnh thường tập trung vào việc làm giảm nhẹ các triệu chứng và giữ bệnh nhân không bị mất nước. Vì vậy việc chăm sóc người bệnh thủy đậu đóng một vai trò quan trọng.

Bác sĩ khuyến cáo:

- Với chăm sóc bệnh nhân mắc thuỷ đậu, cần đảm bảo người bệnh ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn các thức ăn mềm, uống đủ nước; có thể uống thêm nước hoa quả...

- Người bệnh cần vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý.

- Bệnh nhân cần giữ vệ sinh cá nhân, thay quần áo,  tắm rửa hằng ngày bằng nước ấm sạch.

- Người bệnh tránh gãi làm vỡ các nốt phỏng vì dễ gây bội nhiễm và tạo sẹo.

Đặc biệt, theo các bác sĩ, nếu người bệnh có biểu hiện như: Khó chịu, lừ đừ, mệt mỏi, co giật, hôn mê hoặc có xuất huyết trên nốt rạ nên đưa đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời.

Bệnh thuỷ đậu có thể lây lan nhanh chóng và trở thành dịch nên việc phòng ngừa thủy đậu là rất quan trọng.  Người dân có thể phòng bệnh thủy đậu một cách chủ động và có hiệu quả nhất bằng cách tiêm vaccine phòng thủy đậu. Đối với các trẻ lớn hơn và người lớn, nên tiêm đủ 2 liều cách nhau ít nhất 6 tuần là tốt nhất.

Bên cạnh đó, người dân cần chủ động thực hiện phòng bệnh bằng các biện pháp đơn giản như: Tránh tiếp xúc với nguồn bệnh, giữ vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang phòng lây nhiễm...

Theo Báo Tin tức

(0) Bình luận
Chăm sóc người mắc bệnh thuỷ đậu thế nào để tránh biến chứng