Dịch chồng dịch, nhiều trẻ nhỏ nhập viện

11/08/2022 09:31

Thời gian gần đây, các loại bệnh truyền nhiễm như cúm A, tay-chân-miệng, RSV đồng thời bùng phát trong khi dịch Covid-19 chưa chấm dứt khiến nhiều trẻ nhỏ phải nhập viện.


Vừa khỏi Covid-19 chưa lâu, con chị Nguyễn Thị Hương lại mắc cúm A, phải nhập viện điều trị dài ngày


Trong khi dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc thì thời gian gần đây, các loại dịch bệnh khác như cúm A, tay-chân-miệng, RSV (virus hợp bào hô hấp gây viêm phổi ở trẻ) lại đồng thời bùng phát khiến nhiều trẻ nhỏ phải nhập viện.

Mắc nhiều bệnh cùng lúc

Gần 1 tuần chăm con mắc cúm A tại Bệnh viện Nhi Hải Dương, chị Nguyễn Thị Hương ở xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) bị sút cân, đôi mắt thâm quầng vì nhiều đêm không ngủ. Con gái 8 tháng tuổi của chị mới khỏi Covid-19 cách đây chưa lâu thì nay lại mắc cúm A trái mùa. Con sốt cao, quấy khóc, bỏ bú, chị Hương cho uống thuốc hạ sốt nhưng không thấy chuyển biến. Hai ngày sau, gia đình chị mới đưa con lên bệnh viện. “Cháu nhập viện muộn nhưng may mắn là chưa bị biến chứng gì. Có điều gia đình tôi vẫn lo lắng vì bác sĩ nói trẻ mắc Covid-19 và cúm A thì đường hô hấp sẽ bị tổn thương nặng, phải điều trị kéo dài. Cháu lớn nhà tôi mới 2 tuổi, đang ở nhà cũng vừa mắc cúm A”, chị Hương lo lắng.

Ngồi ở giường bệnh kế bên, bà Phạm Thị Hiệp ở xã Minh Đức (Tứ Kỳ) gương mặt cũng buồn rười rượi vì lo lắng cho cháu nội 4 tháng tuổi bị mắc đồng thời cúm A và RSV. Bà Hiệp chia sẻ: “Mấy bé mắc cúm A vào cùng ngày với cháu tôi nhưng đều đã được ra viện cả. Cháu tôi vì mắc cùng lúc 2 loại bệnh nên bác sĩ bảo phải điều trị ít nhất từ 7-10 ngày nữa, khi nào âm tính với virus RSV thì mới được về. Nhìn cháu quấy khóc, biếng ăn, gầy gò, vẫn ho sốt mà vừa thấy xót, vừa thấy lo”.

Từ đầu tháng 7 đến ngày 10.8, bình quân mỗi ngày Bệnh viện Nhi Hải Dương đón từ 300-350 lượt trẻ đến khám, trong đó khoảng 30% phải nhập viện vì mắc các loại bệnh trên. Đáng lo ngại là nhiều trẻ mắc đồng thời 2 loại bệnh, phải điều trị kéo dài.

Bác sĩ Trần Thị Thanh Nhàn, Trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Hải Dương) cho biết có một điểm tương đồng khi trẻ mắc cúm A, tay-chân-miệng và RSV là thường sốt cao, quấy khóc, biếng ăn ở 1-2 ngày đầu. Do vậy, cha mẹ thường khó phân biệt, lầm tưởng đó chỉ là cảm cúm thông thường, tự ý đi mua thuốc về điều trị cho con tại nhà. Chỉ đến khi uống thuốc 2-3 ngày không thấy đỡ, triệu chứng bệnh nặng hơn thì họ mới cho con đi bệnh viện. Nhiều trẻ nhập viện muộn bị co giật do sốt cao li bì, kéo dài. Một số trường hợp mắt đờ đẫn, phản xạ kém. Rất may đến nay chưa có trường hợp nào gặp biến chứng hoặc phải chuyển tuyến trên điều trị. 

Các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ hãy đưa con đi tiêm vaccine phòng bệnh càng sớm càng tốt để tạo hệ miễn dịch bảo vệ sức khoẻ. Trong ảnh: Nhân viên Trạm Y tế thị trấn Nam Sách tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ 


Tiêm phòng là biện pháp tốt nhất

Sức đề kháng của trẻ nhỏ yếu, các triệu chứng khi mắc bệnh thường nặng hơn người lớn. Trẻ mắc đồng thời nhiều loại bệnh có nguy cơ cao dẫn tới suy hô hấp, đe dọa đến tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Trên địa bàn cả nước thời gian qua đã ghi nhận một số trường hợp trẻ mắc đồng thời Covid-19, cúm A dẫn tới viêm phổi nặng, điều trị kéo dài, ảnh hưởng tới sự phát triển toàn diện của trẻ.

Đến thời điểm này, các bệnh cúm A, tay-chân-miệng, RSV đều chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Trong bối cảnh dịch chồng dịch như hiện nay, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ hãy đưa con đi tiêm vaccine phòng bệnh càng sớm càng tốt. Đây là biện pháp tối ưu, tạo ra hệ miễn dịch tốt nhất để bảo vệ sức khoẻ của trẻ nhỏ. 

Nhiều loại dịch bệnh xuất hiện cùng lúc khiến lượng trẻ nhập viện tăng mạnh trong thời gian gần đây. Trong ảnh: Bệnh viện Nhi Hải Dương có rất đông người đưa trẻ đến khám chữa bệnh

Cha mẹ cần dành nhiều thời gian hơn trong việc chăm sóc, theo dõi sức khoẻ của trẻ. Trẻ xuất hiện các triệu chứng bất thường cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để khám bệnh. Cha mẹ tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị cho con tại nhà. Trong giai đoạn này, cha mẹ nên hạn chế thấp nhất việc cho trẻ tiếp xúc nơi đông người. Nếu bắt buộc phải đi tới nơi đông người thì cần cho trẻ đeo khẩu trang. Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ hằng ngày.

Việc tăng cường đầy đủ các chất dinh dưỡng sẽ giúp trẻ có hệ miễn dịch và sức đề kháng tốt nhất để chống lại bệnh tật. Các bác sĩ đặc biệt lưu ý với các bà mẹ đang cho con bú cũng cần ăn uống đủ chất, hạn chế tiếp xúc nơi đông người để giúp trẻ phòng chống dịch bệnh tốt nhất.

Trong giai đoạn này, ngành giáo dục và đào tạo cần thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở giáo dục mầm non tăng cường vệ sinh môi trường, bảo đảm chất lượng bữa ăn bán trú và chú trọng chăm sóc, giáo dục về thể chất nhằm giúp trẻ có sức khoẻ tốt nhất chống chọi với dịch bệnh.

BÌNH MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dịch chồng dịch, nhiều trẻ nhỏ nhập viện