Điều trị say nắng như thế nào?

24/06/2022 05:42

Theo Đông y, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới say nắng là do "chính khí" (sức đề kháng) suy yếu, lại cảm nhiễm phải "thử tà" từ bên ngoài mà gây nên bệnh.

photo-1655633114299

Nắng nóng gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe

Theo cách phân loại của Đông y, "thử tà" là 1 trong số 6 tác nhân gây bệnh ("phong", "hàn", "thử", "thấp", "táo", "hỏa") 

Thử tà xuất hiện trong mùa hè, là loại "dương tà" nên thường làm cho phần "âm" bị thương tổn. Mặt khác, thử tà tác động khiến mồ hôi phải tiết ra nhiều, làm cho phần "khí" của cơ thể cũng bị thương tổn. Kết quả là cả "khí" và "âm" đều bị thương tổn, Đông y gọi đó là "khí âm lưỡng hư". 

Do đó những người có thể tạng "âm hư" và "khí hư", mùa hè thường hay bị cảm nắng hoặc say nắng. Đặc biệt, những người thể tạng đàm thấp, "đàm" và "thấp" tích đọng trong cơ thể, bị "thử tà" hun đốt, cần phòng ngừa bệnh say nắng.

1.Triệu chứng của say nắng

-Tăng thân nhiệt, da nóng, không ra mồ hôi hoặc vã mồ hôi nhiều, da lạnh.

-Tăng nhịp tim, nhịp thở, hồi hộp trống ngực.

-Hoa mắt chóng mặt, đau đầu.

-Họng khô, miệng khát.

-Mắt đỏ, lưỡi đỏ, mặt đỏ, mạch nhanh và nhỏ.

Trường hợp nặng, có thể ngất, hôn mê, trụy tim mạch, sốc nhiệt dẫn đến tử vong.

2.Xử trí tại chỗ say nắng 

Nhanh chóng hạ thân nhiệt cho người bệnh bằng cách chuyển người bệnh đến nơi thoáng mát, có bóng râm; nới lỏng, cởi bỏ bớt quần áo.

Sử dụng khăn mát vắt ráo, chườm, đắp vào những nơi như trán, mặt, cổ,  hõm nách, bẹn.

Bổ sung nước khi người bệnh còn tỉnh táo và không nôn nhiều.

Gọi hỗ trợ y tế và đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

Trong trường hợp người bệnh ngất, ngoài các xử trí trên, có thể day, ấn một số huyệt có tác dụng tỉnh thần trong lúc chờ hỗ trợ từ nhân viên y tế :

Huyệt nhân trung: 1/3 phía trên rãnh nhân trung   .

Huyệt ấn đường: Giao điểm giữa 2 đầu lông mày.

Huyệt hợp cốc: Hõm giữa ngón trỏ và ngón cái.   

3. Phòng ngừa say nắng

-Uống đủ nước.

-Hạn chế ra ngoài đường những ngày nhiệt độ cao. Khi đi ra ngoài, phải có quần áo bảo hộ, mũ, ô che nắng, kính râm...

-Không làm việc quá lâu ngoài trời nắng, trong môi trường nóng bức hoặc hoạt động thể lực quá sức ngoài trời.

-Tăng cường dinh dưỡng cho cơ thể với một số loại rau củ có tính mát, có tác dụng giải thử, giải nhiệt, sinh tân, chỉ khát như nước rau má tươi, nước lá sen, nước dưa hấu, nước mướp đắng (khổ qua): Bỏ ruột, thái mỏng, đun sôi để nguội uống…

4.Bài thuốc điều trị say nắng

Sau khi đã qua giai đoạn nguy hiểm, bệnh nhân đã tỉnh lại, nhưng còn mệt mỏi, có thể dùng 1 trong số 2 bài thuốc sau:

Bài 1:  Sinh thạch cao (thạch cao sống) 15g, mạch môn (củ tóc tiên) 15g, thạch hộc 10g, sa sâm 15g, hà diệp (lá sen) 10g, đậu xanh cả vỏ 20g, cam thảo 5g. Sắc uống.

Bài 2: Nhân sâm 6g, mạch môn 15g, ngũ vị tử 10g, hoàng cầm 10g, sa nhân 6g, sơn dược (củ mài) 15g, cam thảo 6g. Sắc uống.

Theo Sức khỏe và Đời sống

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điều trị say nắng như thế nào?