Hà Nội một tuần ghi nhận thêm hơn 1.300 ca sốt xuất huyết, 2 người tử vong

21/11/2022 10:28

Trong tuần qua, tại Hà Nội ghi nhận thêm hơn 1.300 ca mắc sốt xuất huyết mới, thêm 2 ca tử vong. Các chuyên gia dự báo sốt xuất huyết sẽ còn gia tăng vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12.

Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua thành phố ghi nhận 1.378 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 2,6% so với tuần trước), thêm 2 ca tử vong tại huyện Chương Mỹ và quận Hà Đông. 

Thành phố cũng ghi nhận thêm 31 ổ dịch tại các quận, huyện. Trong đó type vi rút Dengue lưu hành đã xác định được là DENV1 và DENV2, DENV4. Một số ổ dịch đang hoạt động có nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài.

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có 13.437 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm 2021, trong đó đã có 16 ca tử vong (năm 2021 không có ca tử vong).

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc quản lý điều hành CDC Hà Nội, nhận định trong thời gian tới, dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Thành phố tiếp tục triển khai công tác phòng, chống dịch.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, nơi mỗi ngày tiếp nhận 5-10 ca sốt xuất huyết nặng - lưu ý sốt xuất huyết là bệnh đặc trưng bởi tình trạng sốt do nhiễm vi rút Dengue từ muỗi vằn truyền sang. Triệu chứng của bệnh thường xuất hiện sau 4 - 7 ngày và kéo dài từ 5 - 7 ngày.

Triệu chứng ban đầu thường gặp như sốt, đau đầu, đau sau hốc mắt, đau nhức cơ khớp, nổi mẩn đỏ... và đa số bệnh nhân sẽ hồi phục sau 5 - 7 ngày.

Tuy nhiên, vẫn có 5-6% số bệnh nhân sau đó có thể diễn biến nặng lên với các dấu hiệu cảnh báo như mệt lả, sốt cao liên tục, đau bụng, nôn nhiều, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Những bệnh nhân này nếu không được xử lý phù hợp có thể tiến triển thành sốc, suy đa tạng hoặc chảy máu nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong.

Do vậy khi thấy có các dấu hiệu cảnh báo, người bệnh cần phải đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

"Hiện nay không có một loại thuốc hay phương pháp điều trị nào là đặc hiệu dành riêng cho bệnh sốt xuất huyết. Trong giai đoạn sốt, bác sĩ sẽ điều trị các triệu chứng và nếu sang giai đoạn biến chứng sẽ điều trị các rối loạn bệnh sinh để hạn chế diễn tiến nặng có thể xảy ra", bác sĩ Cấp thông tin.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội một tuần ghi nhận thêm hơn 1.300 ca sốt xuất huyết, 2 người tử vong