Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện 7.4: Trao giọt máu hồng - gieo mầm sự sống

07/04/2022 08:00

Mỗi giọt máu - một hành động nghĩa tình, được ví như một hạt mầm nhân ái gieo sự sống. Bao nhiêu người hiến máu thì bấy nhiêu người gieo sự sống.

Hiến máu tình nguyện đã trở thành một phong trào đẹp, ý nghĩa, lan tỏa trong cộng đồng.

Hiến máu cứu người - quà tặng vô giá cho sự sống

Máu vốn là món quà vô giá giúp con người duy trì sự sống, nên cho dù khoa học nói chung, y học nói riêng đã có sự phát triển vượt bậc và đạt được nhiều thành tựu, song vẫn chưa tìm ra được một loại thuốc hay một loại dịch thể nào có thể thay thế được máu trong cơ thể. Máu và chế phẩm của máu là loại sản phẩm sinh học quý nhất, đóng vai trò duy trì sức khỏe cho con người. Máu cần cho nhiều chuyên khoa, cả cho điều trị hằng ngày cũng như cho cấp cứu ngoại khoa, sản khoa, nội khoa... và cũng rất cần để sẵn sàng dự trữ cho thảm họa, an ninh, quốc phòng của mỗi quốc gia.

Hiến máu là hành động tự nguyện của mỗi người khi cho đi những giọt máu trong cơ thể mình để giúp bao người đang cần đến máu. Khi trao đi một phần nhỏ lượng máu của mình là ta đã đem lại hy vọng sống, đem lại niềm tin cho các bệnh nhân gặp tai nạn giao thông, các em bé mắc bệnh tan máu bẩm sinh, các ca ghép tạng cần rất nhiều máu… và cho cả những người thân của họ.

Hiến máu nhân đạo là một hành động cao cả, một nghĩa cử cao đẹp thể hiện sự hiểu biết, tình yêu thương con người và trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng. Đó cũng là một hoạt động có ý nghĩa sâu sắc, mang đậm tính nhân văn, nét đẹp văn hóa, thể hiện sâu sắc đạo lý "thương người như thể thương thân" của dân tộc ta.

Với tầm quan trọng của việc hiến máu cứu người, từ năm 2000, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 43/2000/QĐ-TTg về vận động và khuyến khích nhân dân hiến máu tình nguyện và lấy ngày 7/4 hàng năm là Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện. Sự kiện được coi là bước ngoặt quan trọng cho phong trào hiến máu tình nguyện; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động đối với các cấp chính quyền, đoàn thể từ trung ương tới địa phương và các tầng lớp nhân dân trong cả nước.

Kể từ đó, ngày 7.4 hằng năm đã trở thành dịp để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa cao đẹp của hiến máu cứu người; đồng thời khuyến khích, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia hiến máu thường xuyên, nhờ đó đã tạo được phong trào hiến máu lan tỏa, rộng khắp ở các cấp, ngành và toàn xã hội.

Nếu năm 2000, cả nước chỉ tiếp nhận được hơn 300.000 đơn vị máu; năm 2010, số đơn vị máu tiếp nhận đã gấp hơn 2 lần (hơn 600.000 đơn vị) thì đến năm 2021 con số này 1,5 triệu đơn vị máu, tương đương 1,5% dân số hiến máu. Tỷ lệ hiến máu tình nguyện năm 2000 là gần 31% thì đến năm 2021 đã đạt 99%.

Cùng với đó, nhiều chiến dịch và sự kiện hiến máu lớn cũng được tổ chức thường xuyên, tạo dấu ấn thúc đẩy mạnh mẽ phong trào hiến máu của cả nước, như: Lễ hộiXuân hồng, Những giọt máu hồng hè, Hành trình Đỏ, Chủ nhật Đỏ...

Đến nay, 100% các tỉnh, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện và 85% số xã, phường có Ban Chỉ đạo. Cả nước đã thành lập được hơn 4.390 câu lạc bộ với gần 145.060 thành viên tham gia, như: Câu lạc bộ hiến máu dự bị, Câu lạc bộ 25, Câu lạc bộ máu hiếm... Bên cạnh đó, công tác xây dựng lực lượng hiến máu dự bị ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo cũng được quan tâm và triển khai có hiệu quả. Đã có 12.211 cán bộ, hội viên và tình nguyện viên Chữ thập đỏ được đào tạo, tập huấn về công tác vận động, huy động nguồn lực hiến máu nhân đạo.

Toàn quốc đã có 21.359 cá nhân, gia đình và tập thể thuộc 63 tỉnh, thành phố, các đơn vị và Câu lạc bộ hiến máu tình nguyện được tôn vinh, khen thưởng về thành tích hiến máu tình nguyện và vận động hiến máu tình nguyện, trong đó có 18.067 cá nhân, 1.851 tập thể và 1.441 gia đình, dòng họ.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, năm 2022, toàn quốc phấn đấu tiếp nhận 1.480.000 đơn vị máu, quy đổi là: 1.654.000 đơn vị máu; tỷ lệ người hiến máu tình nguyện là 99%; tỷ lệ người hiến máu nhắc lại từ 50% đến 53%; tỷ lệ dân số hiến máu tương đương là 1,5%.    

Không chỉ cho đi mà còn nhận lại

Bên cạnh việc mang lại sức khỏe, sự sống cho người được truyền máu, việc hiến máu cũng mang đến không ít lợi ích về sức khỏe đối với người hiến tặng.

Bên cạnh việc mang lại sức khỏe, sự sống cho người được truyền máu, việc hiến máu cũng mang đến không ít lợi ích về sức khỏe đối với người hiến tặng.

- Được kiểm tra sức khỏe miễn phí: trước mỗi lần hiến máu, người hiến máu sẽ trải qua một số bước kiểm tra sức khỏe (miễn phí). Sau khi hiến tặng, máu của người hiến sẽ được sàng lọc và kiểm tra. Qua đó, có thể phát hiện sớm về nguy cơ mắc các bệnh.

- Tái tạo các tế bào máu mới: sau khi hiến máu, cơ thể sẽ hoạt động để bổ sung lại lượng máu đã mất. Điều này sẽ kích thích quá trình sản sinh các tế bào máu mới và nhờ đó, các tế bào mới sẽ luân phiên giúp duy trì cơ thể luôn khỏe mạnh.

- Đốt cháy calo: mỗi lần hiến máu cơ thể sẽ tiêu tốn khoảng 650-700 Kcal (tương đương 30 phút chạy bộ). Do đó, hiến máu có thể hỗ trợ cho việc kiểm soát cân nặng. Tuy nhiên, thời gian hiến máu an toàn nhất là khoảng hai hoặc ba tháng 1 lần và không được nhiều hơn. Mức độ thường xuyên này còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, nồng độ hemoglobin và sắt trong máu.

- Giảm chứng rối loạn do hấp thu quá nhiều sắt: lợi ích sức khỏe của việc hiến máu bao gồm giảm nguy cơ mắc bệnh hemochromatosis (chứng rối loạn do hấp thu quá nhiều sắt). Đây là tình trạng sức khỏe phát sinh do cơ thể hấp thụ sắt nhiều quá mức. Bệnh cũng có thể do yếu tố di truyền hoặc do uống quá nhiều rượu, bia, chứng thiếu máu hoặc các chứng rối loạn khác gây ra. Do đó, hiến máu thường xuyên có thể giúp giảm tình trạng tích tụ sắt trong cơ thể. Tuy nhiên, người hiến tặng cần đảm bảo rằng họ có thể đáp ứng đủ các tiêu chuẩn hiến máu.

 - Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch: hiến máu thường xuyên có thể giúp giảm độ đặc và độ dính của máu, do đó cho phép máu lưu thông dễ dàng hơn trong mạch máu và đến được tim nhanh hơn. Đồng thời, hiến máu có tác dụng tích cực trong việc làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và gan do tình trạng cơ thể thừa sắt quá mức gây ra.

Một chế độ ăn uống giàu sắt có thể làm tăng nồng độ sắt trong máu. Tuy nhiên, cơ thể chỉ có thể hấp thu một lượng sắt hạn chế, dẫn đến tình trạng sắt thừa sẽ tích tụ lại trong tim, gan và tuyến tụy. Tình trạng này sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh xơ gan, suy gan, tổn thương tụy và các tình trạng bất thường về tim mạch như nhịp tim không đều. Trong khi đó, hiến máu có tác dụng giúp duy trì mức sắt đồng thời làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác nhau.

- Giảm nguy cơ ung thư: hiến máu cũng có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư. Bằng cách hiến máu, hàm lượng sắt tích tụ trong cơ thể sẽ được duy trì ở mức lành mạnh có lợi cho sức khỏe. Nguy cơ bị ung thư gan, phổi, dạ dày, ruột già và cổ họng giảm dần khi tần suất hiến máu tăng lên nhờ giảm lượng sắt dự trữ trong cơ thể.

Theo TTXVN 

(0) Bình luận
Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện 7.4: Trao giọt máu hồng - gieo mầm sự sống