Trắng đêm cùng sản phụ mắc Covid-19

02/04/2022 11:36

Hơn 1 năm qua, phần lớn thời gian của các y, bác sĩ tại khu cách ly Bệnh viện Phụ sản Hải Dương là ở bệnh viện tham gia chăm sóc, điều trị cho các sản phụ mắc Covid-19.


Trẻ em trong khu cách ly F0 sau khi sinh phải tách mẹ và được các nhân viên y tế chăm sóc toàn diện

Màn đêm buông xuống, trong khi người người, nhà nhà đã chìm vào giấc ngủ sâu thì các nhân viên y tế làm nhiệm vụ tại khu cách ly Bệnh viện Phụ sản Hải Dương vẫn đang miệt mài với công việc. Họ gần như không ngủ bởi sản phụ mắc Covid-19 và những em bé mới lọt lòng mẹ luôn cần được theo dõi, chăm sóc đặc biệt.

Lấy viện làm nhà

Hơn 10 tiếng làm việc liên tục, cuối cùng thì bác sĩ chuyên khoa II Bùi Quang Trung, Trưởng Khoa Sản bệnh - KHHGĐ (Bệnh viện Phụ sản Hải Dương) đã có thể cởi bỏ bộ đồ bảo hộ y tế kín mít từ đầu xuống chân để về phòng sinh hoạt chung trong khu vực chăm sóc, điều trị F0 nghỉ ngơi và ăn tối. Lúc này đồng hồ đã điểm 0 giờ 30 sáng. 

Cuối tháng 3, trời chuyển lạnh, nửa đêm nhiệt độ càng xuống thấp. Tôi và một số đồng nghiệp của anh Trung ngồi trò chuyện từ tối phải mặc áo khoác. Vậy mà khắp khuôn mặt anh Trung vẫn lấm tấm mồ hôi. Anh giải thích cả ngày cơ thể bị bó buộc trong bộ đồ bảo hộ y tế chủ yếu là nilon, lại vận động liên tục nên rất nóng nực, bí bách. Khi cởi bỏ được nó ra thì cơ thể giống như được giải phóng nhiệt năng vậy. Mùa này còn đỡ chứ ít bữa nữa vào mùa hè thì quần áo bên trong lúc nào cũng thấm đẫm mồ hôi.

Anh Trung dặn tôi ngồi đợi vì còn phải đi tắm, thay quần áo và dùng bữa tối. Thế nhưng khi anh chưa dứt lời thì chiếc điện thoại di động trên mặt bàn đã lại rung lên. Sau mấy chục giây trao đổi, anh Trung vội vàng với bộ bảo hộ y tế mặc vào người rồi nhìn tôi nói:

- Nhân viên trong kia báo có sản phụ là F0 bị băng huyết, anh cần vào đó xử lý ngay. Chú thông cảm chịu khó ngồi đợi anh nhé.
Điều dưỡng trưởng Vũ Thị Luyến ngồi tiếp chuyện tôi từ tối nói:

- Đấy chú xem, công việc của anh em tớ trong khu điều trị F0 này làm gì có khái niệm thời gian.

- Thế này thì anh Trung nhịn ăn tới sáng à chị? - tôi hỏi.

- Thì biết làm thế nào? Xong lúc nào thì ăn lúc đấy. Các chị trong này quen với việc này rồi. Lát nữa anh Trung xong việc thì cơm cũng nguội ngắt, đóng bánh rồi, chắc chẳng nuốt nổi. Thường thì anh ấy sẽ ăn mì tôm - chị Luyến đáp.

Khu cách ly tại Bệnh viện Phụ sản Hải Dương không chỉ điều trị người mắc Covid-19 là phụ nữ mang thai mà còn có cả những F0 mắc các bệnh phụ khoa. Theo phân tầng điều trị, bệnh nhân vào đây đều là người có triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, việc theo dõi, chăm sóc cho họ thì vất vả gấp nhiều lần so với F0 thông thường, nhất là với phụ nữ mang thai, chuẩn bị đến ngày sinh nở. Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ vốn đã yếu, lại mắc Covid-19 nữa nên càng yếu và mệt hơn. Với những F0 chờ đẻ, mỗi ngày bác sĩ phải thăm khám hàng chục lần. Sau mổ lấy thai, sản phụ và các em bé vẫn tiếp tục được chăm sóc toàn diện từ ăn uống, vệ sinh, tiêm vaccine… 

Khu thu dung, chăm sóc, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bệnh viện Phụ sản Hải Dương được thành lập đầu năm 2021, thiết kế như một bệnh viện phụ sản thu nhỏ, gồm: khu vực khám tổng hợp (phân loại bệnh nhân chuyển viện, nội trú, ngoại trú), phòng thủ thuật (thực hiện các thủ thuật về sản khoa như xử lý thai lưu, rong kinh), phòng đẻ (4 bàn), phòng mổ (2 bàn), phòng chăm sóc trẻ sơ sinh (10 giường) và phòng điều trị (70 giường chăm sóc sản phụ hoặc người mắc các bệnh phụ khoa). Vì công việc nhiều, áp lực và vất vả nên bệnh viện đã phải huy động 35 nhân viên y tế, chia ca để thay nhau chăm sóc, điều trị F0. Họ thực hiện ăn ở tại chỗ và không về nhà trong suốt thời gian đảm nhiệm ca làm việc. Cứ 21 ngày thì ê-kíp này sẽ ra nghỉ và có một ê-kíp khác vào thay. Tuy nhiên, trên thực tế có không ít bác sĩ, điều dưỡng vì nhiệm vụ nên gần như ở trong khu này cả tháng mới ra nghỉ ngơi. Như anh Trung thì chẳng có khái niệm đổi ca. Để kịp thời xử trí những tình huống đột xuất, anh thường tham gia vào tất cả các ê-kíp.

Chị Luyến thông tin, hơn 1 năm qua, phần lớn thời gian của chị cũng như các đồng nghiệp là ở bệnh viện tham gia điều trị F0, rất ít khi về nhà. Đối diện với áp lực công việc vất vả nhưng họ luôn đoàn kết, sắp xếp khoa học, hy sinh bản thân vì sức khỏe của nhân dân. “Anh xã nhà chị cũng làm trong ngành y đấy chứ. Công việc của hai vợ chồng đều vất vả, ít có thời gian chăm sóc gia đình. Nhà chị có 3 cháu, trong đó cháu lớn học lớp 11, hai cháu nhỏ sinh đôi năm nay mới học lớp 1. Bố mẹ bận việc nên anh lớn vừa học, vừa lo trông nom, chăm sóc hai em nhỏ”, chị Luyến chia sẻ.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Hiền ngồi cạnh bàn với chị Luyến nghe vậy cũng góp chuyện: “Vợ chồng em mới có một cháu 5 tuổi. Vì chồng chạy xe đường dài, em lại bận thế này nên đành gửi con về ông bà ngoại ở xã Nam Hưng (Nam Sách) chăm sóc. Hôm vừa rồi ông bà gọi điện thông báo con em bị mắc Covid-19, thương cháu quá mà chưa thể về...”. 

Đa số các nhân viên trong khu cách ly này đều khá gầy. Tôi hỏi chị Luyến, chị Hiền được biết hầu hết mọi người vì công việc vất vả, ăn ngủ, sinh hoạt thất thường nên ai cũng bị giảm cân, người ít thì 2-3 kg, người nhiều lên tới 7 kg. May là anh em không ai bị suy nhược cơ thể hay gặp các vấn đề về sức khỏe, công việc bận đến mấy cũng hoàn thành.

Chờ thêm hơn một tiếng đồng hồ, anh Trung cuối cùng cũng hoàn thành công việc. Nhìn tôi và đồng nghiệp với ánh mắt, nụ cười rạng ngời, anh thông báo ca cấp cứu đã thành công, tính mạng sản phụ an toàn. 

- Ngày nào các anh, các chị cũng quay cuồng với công việc suốt từ sáng đến đêm thế này à? - tôi hỏi.

- Nhiều ngày cũng ít bận rộn hơn hôm nay nhưng cũng không ít ngày còn áp lực gấp bội. Ngày 28.2, anh và đồng nghiệp tiếp đón tới 51 F0 vào điều trị. Ngày 2.3 vừa qua, riêng anh đã trực tiếp thực hiện 8 ca mổ lấy thai, 10 ca đẻ thường cho các F0 - anh Trung đáp.

- Thế những trường hợp đột xuất như vừa rồi có nhiều không anh?

- Không thể thống kê hết nhưng như cơm bữa. Đang ăn cũng có khi phải buông đũa vào phòng mổ. Nói chung mọi thứ trong này từ công việc, ăn uống, nghỉ ngơi của các nhân viên y tế không có thời gian cố định. 

Trái với dự đoán của tôi và chị Luyến, anh Trung với suất cơm hộp đã nguội ngắt để ăn bữa tối thay vì pha mì tôm. Anh bảo cơm nguội nhưng ăn vẫn ngon vì tâm trạng vui khi xử lý thành công ca F0 bị băng huyết vừa rồi. 


Đối diện với áp lực công việc nhưng các nhân viên y tế Bệnh viện Phụ sản Hải Dương vẫn nỗ lực hết mình trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người mắc Covid-19, chưa để xảy ra sự việc đáng tiếc nào

Coi bệnh nhân như người thân

2 giờ sáng, anh Trung chỉ đạo các nhân viên đi kiểm tra, thăm và cho các bé sơ sinh uống sữa. Tôi theo chị Luyến và chị Hiền xuống phòng chăm sóc trẻ sơ sinh.

Trong phòng có duy nhất bé gái nặng 2,9 kg mới sinh chiều qua. Thấy tôi ngơ ngác quan sát, chị Luyến liền giải thích: “Các bé sau khi sinh ra phải tách mẹ ngay để đề phòng chống lây nhiễm Covid-19 từ sản phụ. Ở đây, chúng tôi thay nhau chăm sóc toàn diện cho các bé. Sau 4-5 ngày, nếu mẫu xét nghiệm của sản phụ âm tính thì các bé mới được vào bú sữa mẹ. Mấy hôm trước ở đây có vài cháu nữa nhưng đều được ra viện cùng mẹ sáng qua rồi”.

Nhìn em bé xinh xắn tu một mạch hết bình sữa mà tôi và hai chị đều cảm thấy vui. No sữa, cháu vặn mình vài cái rồi lại quay ra ngủ tiếp. Đắp cho cháu tấm chăn mềm, chị Luyến tới phòng chị Hoàng Thị Mai (mẹ của bé gái) thông tin tình hình: “Cháu ăn tốt, ngủ ngoan nên em yên tâm điều trị nhé. Vết mổ có đau không, thấy thế nào, cần gì thì cứ báo cho các chị, kể cả đêm hôm. Sáng mai chị sẽ mang cháo để em bồi bổ nhé”.

Trò chuyện cùng tôi, chị Mai cho biết vì là F0 nên lúc đầu nhập viện cảm thấy rất lo lắng và căng thẳng. “Vào đến đây rồi thì thấy các nhân viên y tế rất tận tình, chu đáo, quan tâm, chăm lo cho tôi chẳng khác nào người nhà”, chị Mai nói.

Chị Luyến đi một lượt các phòng bệnh nhân kiểm tra. Chị vui vì sức khỏe nhiều bệnh nhân tiến triển tốt, ngủ ngon giấc, song cũng trăn trở về những F0 vẫn đang mệt mỏi, căng thẳng chống chọi với bệnh tật. Thấy chị Quàng Thị Oanh (sinh năm 1999, người thị xã Kinh Môn) đang mang thai 37 tuần nhưng mất ngủ, chị Luyến tiến lại gần động viên: “Không phải lo lắng quá Oanh nhé, trong này đã có các anh chị rồi. Em phải cố gắng nghỉ ngơi để cháu bé sinh ra được khỏe mạnh. Hàng trăm bệnh nhân vào đây đều an toàn trở về nhà, không ai làm sao cả. Riêng em thì chỉ khoảng 1 tuần là được về nhà thôi”. Nghe chị Luyến động viên, chị Oanh bớt âu lo. 

Tôi tạm biệt anh Trung và các nhân viên y tế trong khu cách ly để trở về nhà khi trời đã gần sáng. Thức có một đêm tác nghiệp đã khiến tôi uể oải. Vậy mà các nhân viên y tế Bệnh viện Phụ sản Hải Dương biết bao đêm phải thức trắng cùng F0, vì sức khỏe của người bệnh...

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Trắng đêm cùng sản phụ mắc Covid-19