Trẻ từng là F0 nên ăn uống thế nào để bảo đảm sức khỏe?

14/04/2022 10:38

Theo lời khuyên của các chuyên gia y tế, giai đoạn hậu Covid-19 cần đặc biệt chú ý tăng cường dinh dưỡng để thúc đẩy quá trình phục hồi sau nhiễm Covid-19 ở trẻ.

Cần tăng cường dinh dưỡng để thúc đẩy quá trình phục hồi hậu Covid-19 ở trẻ


Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, hậu Covid-19 ở trẻ em có thể gây ảnh hưởng tới hầu hết các cơ quan trong cơ thể, trong đó thường gặp các triệu chứng như: mệt mỏi, rối loạn vị giác, khứu giác, đau đầu, kém tập trung, ho kéo dài, đau họng, khó thở. Ngoài ra có thể đau khớp, đau cơ, nặng ngực, hồi hộp đánh trống ngực… Các triệu chứng này có thể tồn tại từ lúc mắc bệnh ban đầu hoặc mới xuất hiện sau khi đã khỏi bệnh và không do các căn nguyên khác gây ra.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi cha mẹ thấy trẻ có các triệu chứng như mô tả ở trên hoặc thấy xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào mà trước khi mắc Covid-19 trẻ không có, cần cho trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để xác định bệnh cũng như có chế độ điều trị, can thiệp và chăm sóc hợp lý.

Bên cạnh việc bảo đảm cho trẻ một chế độ sinh hoạt, học tập, nghỉ ngơi hợp lý, chế độ dinh dưỡng đầy đủ rất quan trọng đối với sức khỏe, đặc biệt là vào thời điểm hệ thống miễn dịch hoạt động kém hiệu quả và ở trạng thái yếu hơn trước.

Theo lời khuyên của các chuyên gia y tế, giai đoạn hậu Covid-19 cần đặc biệt chú ý tăng cường dinh dưỡng để thúc đẩy quá trình phục hồi sau nhiễm Covid-19 ở trẻ. Chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân đối và bổ sung đủ nước là chìa khóa quan trọng cho sự hồi phục của người bệnh Covid-19. Về cơ bản trước hết, chế độ ăn của trẻ phải bảo đảm đầy đủ các chất dinh dưỡng (đủ 4 nhóm chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất).

Tăng cường thực phẩm giàu protein, bổ sung các loại rau, trái cây, uống nhiều nước để cung cấp đa dạng các vitamin, khoáng chất và chất xơ giúp hỗ trợ tiêu hóa và hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả. Cho trẻ ăn những món hợp khẩu vị mà trẻ thích, thức ăn giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như các món cháo, súp…

Hạn chế cho trẻ ăn quá nhiều đồ ngọt, đồ ăn nhiều muối, thực phẩm chế biến sẵn và các loại nước uống công nghiệp như nước ngọt có gas, nước tăng lực…

Cần cho trẻ uống đủ nước, uống nước lọc rải rác trong ngày. Đặc biệt, trong trường hợp cổ họng trẻ vẫn khó chịu hay còn đờm thì uống nhiều nước sẽ giúp làm dịu họng, loãng đờm. Ngoài nước lọc, có thể cho trẻ dùng nước mật ong ấm kết hợp với chanh, gừng cũng có tác dụng làm dịu họng tốt...

Theo Sức khỏe & Đời sống

(0) Bình luận
Trẻ từng là F0 nên ăn uống thế nào để bảo đảm sức khỏe?