Trạm y tế thiếu bác sĩ, người dân chịu thiệt

25/11/2022 02:30

Hàng chục trạm y tế (TYT) trong tỉnh hiện chưa có bác sĩ do chính sách đãi ngộ còn nhiều hạn chế. Thiếu bác sĩ khiến hoạt động chuyên môn của TYT bị ảnh hưởng, người dân chịu thiệt

Trạm Y tế xã Nam Hồng (Nam Sách) nhiều năm nay không có bác sĩ, hoạt động chuyên môn gặp nhiều khó khăn (ảnh do Đài Phát thanh huyện Nam Sách cung cấp)


Áp lực, vất vả

Huyện Nam Sách có tới 5 TYT xã chưa có bác sĩ, gồm: Nam Tân, Nam Hồng, An Lâm, Cộng Hoà và Phú Điền. Y sĩ Trần Thị Hường, Trạm phó phụ trách TYT xã Nam Hồng cho biết nhiều năm nay đơn vị không có bác sĩ. 4 nhân viên tại trạm (1 y sĩ, 2 điều dưỡng, 1 nữ hộ sinh) cùng lúc phải thực hiện hơn 20 chương trình y tế. “Xã có gần 5.700 dân trong khi nhân lực mỏng, trình độ hạn chế nên gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động khám chữa bệnh cho nhân dân. Khi dịch Covid-19 bùng phát, chúng tôi phải làm việc rất áp lực, vất vả”, chị Hường nói.

Huyện Ninh Giang cũng có 4 TYT chưa có bác sĩ, trong đó có TYT xã Nghĩa An. Trước đây trạm có 1 bác sĩ nhưng đã chuyển công tác từ năm 2018. Thiếu bác sĩ khiến hoạt động chuyên môn bị ảnh hưởng. Y sĩ Nguyễn Văn Hùng, Trạm trưởng TYT xã Nghĩa An thông tin: “Ví dụ như những bệnh nhân bị động kinh, thần kinh, chúng tôi chỉ quản lý về mặt giấy tờ, còn việc khám, tư vấn, chữa bệnh thì phải định kỳ mời bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Hải Dương về hỗ trợ”.

Bà Vũ Thị Thoán ở thôn Đa Nghi (xã Nghĩa An) sức khoẻ không ổn định. “Nhiều lúc bệnh trở nặng cần có bác sĩ khám và điều trị ngay nhưng TYT địa phương lại không có. Nếu người dân bị bệnh gì đột xuất, có nguy cơ đe dọa tính mạng mà không có bác sĩ xử trí kịp thời thì chúng tôi phải làm sao? Đành rằng sẽ phải chuyển tuyến trên nhưng trước tiên vẫn rất cần có bác sĩ địa phương bên cạnh để tư vấn biện pháp tốt nhất”, bà Thoán nói.

Việc thiếu bác sĩ gây ra nhiều ảnh hưởng trong hoạt động chuyên môn, nhất là công tác khám chữa bệnh, xử lý những tình huống đột xuất có thể xảy ra liên quan đến sức khoẻ nhân dân. Tại những TYT thiếu bác sĩ, mặc dù Trung tâm Y tế vẫn định kỳ hỗ trợ bác sĩ về trạm (1 tuần 3 buổi) nhưng nhiều khi bệnh nhân đến đúng ngày không có bác sĩ trực thì nhân viên không biết xử trí thế nào. Do đó, hầu hết người dân khi bị bệnh đều chuyển tuyến trên điều trị, qua TYT cũng chỉ làm thủ tục liên quan đến chính sách bảo hiểm…

Theo tìm hiểu của phóng viên, đội ngũ bác sĩ công tác tại TYT các xã, phường, thị trấn hiện nay đa phần là học chuyên tu. Không tuyển được bác sĩ mới, trong khi nhiều người trong số này sắp nghỉ hưu nên số lượng các TYT thiếu bác sĩ nhiều khả năng sẽ còn tăng.

Một trong những giải pháp để giải quyết tình trạng trên là khuyến khích các y sĩ đang công tác tại các TYT học lên bác sĩ. Tuy nhiên, việc này không dễ dàng. Ngày trước y sĩ học lên bác sĩ chỉ cần 4 năm nhưng hiện theo quy định mới phải là 6 năm. Y sĩ phải tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT, lấy kết quả này để xét tuyển vào ngành bác sĩ chuyên tu. Đây là điều gần như không thể thực hiện. Bên cạnh đó, chỉ tiêu dành cho bác sĩ chuyên tu hiện cũng rất ít. Nhiều y sĩ mong muốn được học bác sĩ chuyên tu nhưng do thu nhập thấp, Nhà nước lại chưa có chính sách hỗ trợ, cộng thêm áp lực chi tiêu trong gia đình nên không thể thực hiện…

Y sĩ Nguyễn Văn Hùng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nghĩa An khám bệnh cho người dân


Cần chế độ đãi ngộ đặc biệt

Có không ít TYT từng có bác sĩ trẻ về công tác nhưng chỉ vài năm là đội ngũ này lại tìm cách chuyển lên bệnh viện tuyến trên, thậm chí là nghỉ chuyển sang ngành nghề khác. Chế độ đãi ngộ, thu nhập của nhân viên TYT hiện quá thấp, kém hấp dẫn là nguyên nhân chính khiến việc tuyển dụng bác sĩ chính quy trong giai đoạn hiện nay gần như là nhiệm vụ “bất khả thi”. Ngay cả Trung tâm Y tế tuyến huyện vẫn đang mỏi mắt tìm bác sĩ thì việc tuyển dụng bác sĩ về làm việc tại TYT là điều cực khó.

Bác sĩ Trần Thị Thanh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Sách cho biết đầu vào ngành y đã khó, học thì dài hạn, vất vả, học phí cao. Lương bác sĩ khi ra trường thì không nhiều hơn, thậm chí còn thua so với các ngành khác. “Tiền trực một ngày bình thường của bác sĩ TYT hiện chỉ có 18.750 đồng, tiền ăn cũng chỉ được hỗ trợ 15.000 đồng. Trong thời buổi giá cả thị trường hiện nay thì những chế độ này cần được cải cách mạnh mẽ, cộng với chế độ đãi ngộ đặc biệt hơn thì may ra mới thu hút được bác sĩ về TYT”, bà Thanh đề xuất.

TYT đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Muốn làm tốt nhiệm vụ, TYT cần có bác sĩ được đào tạo bài bản. Lãnh đạo một số Trung tâm Y tế cho rằng để giải quyết thực trạng trên thì cần có chế độ đặc biệt. Ví dụ như hỗ trợ một lần cho bác sĩ về công tác tại TYT từ 100 triệu đồng trở lên/người, hỗ trợ 50% kinh phí học tập nâng cao trình độ; tăng chế độ các khoản phụ cấp giúp họ yên tâm cống hiến…

BÌNH MINH

(0) Bình luận
Trạm y tế thiếu bác sĩ, người dân chịu thiệt