Hiệu quả ứng dụng kỹ thuật mới ở y tế tuyến huyện

27/01/2021 14:16

Thời gian qua, các trung tâm y tế (TTYT) tuyến huyện đã trang bị, tiếp nhận nhiều máy móc, thiết bị, kỹ thuật mới để thực hiện khám chữa bệnh (KCB), giúp nhiều người dân không phải vượt tuyến.


Trong năm 2020, Trung tâm Y tế huyện Ninh Giang trang bị máy chụp cắt lớp vi tính và đã chụp cho tổng số 868 người

Làm chủ kỹ thuật mới

Từ năm 2018 đến nay, TTYT huyện Ninh Giang đã trang bị nhiều máy móc, thiết bị mới để thực hiện những phương pháp KCB tiên tiến như phẫu thuật nội soi (phụ khoa, tiêu hóa, trĩ, cắt túi mật), chụp cắt lớp vi tính, chạy thận nhân tạo... Ông Đặng Văn Toàn, Phó Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính trung tâm cho biết số máy móc, thiết bị này được chuyển giao từ tuyến trên, từ các dự án tài trợ và trung tâm tự trang bị theo hình thức xã hội hóa. 

Tương tự, TTYT huyện Tứ Kỳ cũng trang bị nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại như máy test hơi thở HP phát hiện viêm loét dạ dày; máy thở phục vụ hồi sức cấp cứu; máy xét nghiệm sinh hóa, miễn dịch, sàng lọc ung thư; máy chụp CT cắt lớp vi tính...

Năm 2020, TTYT huyện Cẩm Giàng cũng triển khai nhiều kỹ thuật mới như phẫu thuật nội soi chửa ngoài tử cung, xét nghiệm nhuộm soi, đo mật độ xương bằng phương pháp DEXA… Qua đó đã góp phần phục vụ hiệu quả nhu cầu KCB của nhân dân.

Để nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ y bác sĩ sử dụng thiết bị mới, các TTYT đã cử nhiều lượt cán bộ đi học nâng cao trình độ chuyên môn, cử cán bộ đi đào tạo chuyên môn, kỹ thuật tại các bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương hoặc thường xuyên mời giảng viên các trường đại học về giảng dạy tại chỗ. 

Theo báo cáo của ngành y tế, hệ thống y tế tuyến huyện hiện đã được quan tâm đầu tư nhiều trang thiết bị tiên tiến, phục vụ nhu cầu KCB của nhân dân như hệ thống phẫu thuật nội soi sản phụ khoa - ổ bụng, máy chụp cắt lớp vi tính, hệ thống máy chạy thận nhân tạo, máy xét nghiệm miễn dịch tự động... Hằng năm, ngành đều cử cán bộ, nhân viên tham gia đào tạo tại các đơn vị hàng đầu ở trung ương, các bệnh viện tuyến tỉnh; thực hiện việc chuyển giao kỹ thuật cho các cơ sở y tế tuyến huyện theo hình thức "cầm tay chỉ việc". Do đó, hầu hết các cơ sở y tế tuyến huyện đều làm chủ được các kỹ thuật, phương pháp KCB mới.

Thuận lợi cho người bệnh

Việc triển khai các kỹ thuật mới tại cơ sở y tế tuyến huyện mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, giúp họ được hưởng các dịch vụ y tế tiên tiến tại chỗ, không phải đi xa, đồng thời giúp cơ sở y tế tuyến huyện thu hút được nhiều bệnh nhân đến khám và điều trị, không phải chuyển tuyến gây quá tải cho các bệnh viện tuyến trên và tốn kém cho người bệnh.

5 năm qua, tuần nào ông Nguyễn Đình Sảng (71 tuổi) ở thị trấn Ninh Giang cũng phải vào cơ sở y tế chạy thận 3 lần. Trước đây, khi TTYT huyện chưa có hệ thống máy chạy thận, ông Sảng phải đi xe buýt lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh để chạy thận. Những lúc sức khỏe yếu, ông Sảng phải thuê nhà trọ tại TP Hải Dương chờ đợt chạy thận tiếp theo. Từ đầu năm 2018, khi TTYT huyện đưa hệ thống chạy thận nhân tạo vào hoạt động, ông Sảng không còn phải đi xa nữa. Ông Sảng cho biết: "Tuổi cao cộng với bệnh tật nên sức khỏe tôi ngày càng yếu, thêm nữa nhà tôi cũng bí người chăm sóc, nếu phải đi xa như trước thì rất khó khăn. Từ ngày về đây, cứ cách một ngày tôi lại tự mình đến trung tâm chạy thận trong vòng 4 tiếng, không phải phiền đến người thân mà chi phí cũng đỡ tốn kém hơn". Thuận lợi này không chỉ đối với riêng ông Sảng, bởi TTYT huyện Ninh Giang đang thực hiện chạy thận nhân tạo cho 72 người.  

Ông Vũ Hồng Quảng (73 tuổi) ở xã Minh Đức (Tứ Kỳ) có tiền sử về bệnh huyết áp cao. Vì tình trạng bệnh lý nặng nên trước đây ông Quảng thường xuyên phải đến hệ thống bệnh viện tuyến tỉnh để KCB do TTYT huyện chưa có đủ trang thiết bị theo yêu cầu. Từ ngày TTYT huyện có máy chụp cắt lớp vi tính và một số thiết bị tiên tiến khác, ông Quảng KCB ngay tại huyện. Theo ông Quảng, với những người cao tuổi như ông, khi điều trị tại cơ sở có rất nhiều thuận lợi, nhất là không phải đi xa, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian...

Bên cạnh việc áp dụng nhiều kỹ thuật mới, hiện nay các TTYT tuyến huyện cũng đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác KCB, cải cách thủ tục hành chính, thanh toán cho người bệnh. Qua đó tạo ra dữ liệu bệnh án điện tử cho người bệnh, góp phần giảm bớt thời gian chờ đợi với các thủ tục khi KCB tại cơ sở...

NGA THẢO

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiệu quả ứng dụng kỹ thuật mới ở y tế tuyến huyện