Học sinh thành thị dễ bị cận thị

08/03/2020 09:24

Những năm gần đây, số lượng học sinh ở khu vực thành thị bị tật khúc xạ, bệnh về mắt cao hơn vùng nông thôn.

Học sinh ở thành thị còn ít có điều kiện tập thể dục cho mắt bằng cách nhìn xa vì không gian bị ngăn cản bởi những dãy nhà san sát

Điều này cho thấy cần quan tâm nhiều hơn đến công tác chăm sóc mắt học đường, nhất là ở khu vực thành thị.

Mắt học sinh ở nông thôn tốt hơn

Có dịp đến thăm nhiều trường tiểu học, THCS ở TP Hải Dương và một số huyện, chúng tôi bất ngờ khi thấy trong các lớp học, số học sinh của các phường, thị trấn đeo kính nhiều hơn ở xã.

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) huyện Gia Lộc, số lượng học sinh ở thị trấn Gia Lộc có thị lực dưới 7/10 cao hơn nhiều so với các xã khác trong huyện. Trường Tiểu học thị trấn có 273 em có thị lực dưới 7/10 trong khi đó ở cùng cấp học, các xã Hoàng Diệu chỉ có 20 em, Đoàn Thượng 26 em, Đồng Quang 44 em, Nhật Tân 51 em... Ở cấp THCS, Trường THCS thị trấn có 135 em trong khi các Trường THCS khác như Gia Lương chỉ có 18 em, Đức Xương 39 em... thị lực dưới 7/10.

Theo số liệu tổng hợp của Phòng GDĐT TP Hải Dương, qua khám sàng lọc, chuyên sâu và cấp kính thực hiện dự án chăm sóc mắt học đường từ năm 2016 - 2018, số học sinh phải đeo kính (cận thị, viễn thị, loạn thị) ở các trường nội thành thường cao hơn nhiều lần so với các vùng khác. Các Trường THCS Trần Phú có 231 em, Võ Thị Sáu 212 em, Ngô Gia Tự 177 em, nhưng ở Trường THCS Ái Quốc chỉ có 15 em, Tân Hưng 20 em.

Tỷ lệ chênh lệch này cũng thể hiện rõ ở huyện Thanh Miện khi số học sinh bị tật khúc xạ, bệnh về mắt của thị trấn cao hơn rất nhiều so với các địa phương khác trong huyện. Năm 2019, Trường THCS thị trấn Thanh Miện có 188 em bị tật khúc xạ, trong khi ở các Trường THCS Tứ Cường, Chi Lăng Bắc, Lê Hồng có từ 87 - 95 em. 

Điều kiện sống, áp lực học hành ảnh hưởng lớn

Số học sinh ở thành thị mắc tật khúc xạ, bệnh về mắt cao hơn vùng nông thôn có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan.

Những năm qua, tốc độ đô thị hóa của tỉnh ngày càng cao, những khu dân cư mới không ngừng phát triển, không gian đô thị chật chội. Nhà ở của người dân phần lớn chỉ có cửa mở ở mặt tiền còn xung quanh là tường kín mít. Do đó, trong nhà rất ít ánh sáng tự nhiên mà chủ yếu dùng đèn điện.

"Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến học sinh dễ bị bệnh về mắt. Học sinh ở thành thị còn ít có điều kiện tập thể dục cho mắt bằng cách nhìn xa vì không gian bị ngăn cản bởi những dãy nhà san sát", bác sĩ Phạm Thị Quý, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật - HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện Nam Sách chia sẻ. 

Cùng với đó, điều kiện kinh tế ở thành thị cao hơn nên các gia đình thường có nhiều đồ điện tử là ti vi, máy vi tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh... Học sinh thường xuyên sử dụng các thiết bị này nên cũng dễ gây các bệnh về mắt.

Ngoài ra, học sinh khi được nghỉ cũng ít phải tham gia lao động hay làm việc nhà, không có nhiều chỗ vui chơi. Nhiều gia đình còn trang bị máy tính bảng, điện thoại thông minh khi con mới học tiểu học, THCS để tiện liên hệ hoặc học ngoại ngữ. Trong khi đó, ít phụ huynh kiểm soát được mục đích, thời gian sử dụng của con. 

Anh N.Q.H. ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) cho biết: "Khi còn nhỏ, tôi đã để cháu xem ti vi quá nhiều. Cháu còn mượn điện thoại thông minh của vợ chồng tôi để xem, chơi điện tử hàng giờ liền. Những lúc đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản để cháu đỡ quấy nghịch. Đến học kỳ II của lớp 1, cháu đã bị cận thị và phải đeo kính. Lúc ấy tôi mới thấy tác hại của việc để con tiếp xúc với ti vi, điện thoại sớm và quá nhiều".

Ngoài ra, học sinh ở thành thị cũng chịu nhiều áp lực học hành hơn. Ngoài thời gian học ở trường, nhiều em không còn thời gian nghỉ ngơi vì liên tục phải học thêm. Qua số liệu khám mắt cho học sinh, số lượng các em ở những trường chất lượng cao có tỷ lệ bị tật khúc xạ, bệnh về mắt cao hơn trường bình thường.

Chẳng hạn như ở Trường THCS Nguyễn Lương Bằng (Thanh Miện), năm 2019 có tới 209 em được cấp kính trong khi Trường THCS Lê Hồng (cùng huyện) chỉ có 92 em. Một số lớp của Trường THCS Nguyễn Lương Bằng còn có hơn 80% số em phải đeo kính. Ở huyện Nam Sách, Trường THCS Nguyễn Trãi (trường chất lượng cao của huyện) có 310 em bị tật khúc xạ nhưng Trường THCS Nam Hồng chỉ có 84 em.

Phụ huynh, thậm chí cả giáo viên và bản thân học sinh chưa có nhiều kiến thức về chăm sóc, bảo vệ mắt nên dễ dẫn đến bị tật khúc xạ, bệnh về mắt. Để góp phần khắc phục tình trạng này, theo bác sĩ chuyên khoaI Trần Hải Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện, phụ huynh cần quan tâm sắp xếp chỗ học tập của con phù hợp.

Nơi học cần có đủ ánh sáng, hạn chế cho con xem ti vi, thiết bị điện tử trong thời gian dài. Các gia đình có thể sử dụng đèn chống cận đã được cơ quan chức năng công nhận và cấp phép để con học bài. Các bậc phụ huynh không nên cho con học hoặc sử dụng thiết bị điện tử quá 1 giờ liên tục để mắt được nghỉ ngơi, thư giãn.

Khi con có biểu hiện giảm thị lực, phụ huynh cần đến ngay các cơ sở y tế để khám, kiểm tra chính xác, tránh việc lạm dụng kính. Vì một số biểu hiện suy giảm thị lực có thể điều chỉnh lại nhờ chế độ sinh hoạt, học tập, ăn uống... Giáo viên, phụ huynh cần quan tâm nâng cao kiến thức về chăm sóc, bảo vệ mắt để hướng dẫn các em thực hiện tốt hơn.

DANH TRUNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học sinh thành thị dễ bị cận thị