Phòng chống bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện: Khó chồng khó

06/11/2020 14:04

Qua đợt dịch Covid-19 cho thấy công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm trong các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đang tồn tại nhiều lỗ hổng.


Đo thân nhiệt cho người đến Trung tâm Y tế huyện Thanh Hà

Diễn biến của dịch Covid-19 thời gian qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với công tác phòng chống các bệnh truyền nhiễm trong các cơ sở y tế (CSYT). Nhưng để làm tốt công tác này, các CSYT ở Hải Dương đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.  

Nguy cơ từ bệnh viện

Khi sức khỏe có dấu hiệu bất thường, người dân thường tìm đến các CSYT để khám, điều trị. Nếu CSYT không làm tốt công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm sẽ rất dễ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm và phát tán dịch bệnh ra cộng đồng. Thực tế diễn biến của dịch Covid-19 tại nước ta thời gian qua đã chứng minh điều này.

Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và Bệnh viện Đà Nẵng đã để lọt bệnh nhân Covid-19, tạo thành những ổ dịch lớn. Lý do vì đây là 2 bệnh viện có lượng người đến điều trị và thăm người thân hàng ngày rất lớn. Khi dịch bùng phát, số người liên quan đến các bệnh viện phải cách ly nhiều và ở nhiều địa phương khác nhau. Điều này làm cho việc kiểm soát dịch bệnh trở nên phức tạp. Đau lòng hơn là khi dịch Covid-19 bùng phát tại Bệnh viện Đà Nẵng đã làm cho nhiều bệnh nhân đang điều trị tại đây có bệnh lý nền nặng không qua khỏi khi nhiễm thêm Covid-19.

Ở Hải Dương, có 2 ca bệnh Covid-19 được phát hiện có liên quan đến các CSYT là Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình. Hậu quả, 2 bệnh viện đã phải phong tỏa, cách ly y tế một số khoa, phòng và nhân viên y tế có liên quan đến 2 bệnh nhân này trong thời gian 14 hoặc 28 ngày.

Có thể khẳng định dịch Covid-19 bùng phát đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm trong các CSYT. Việc các CSYT quan tâm ưu tiên đối phó với Covid-19 chỉ là giai đoạn trước mắt, còn về lâu dài thì ngoài Covid-19 còn các bệnh khác đang tiềm ẩn trong cộng đồng như cúm, sởi, ho gà, bạch hầu, bệnh do não mô cầu… Có làm tốt công tác này, các CSYT mới bảo đảm hoạt động hiệu quả, chất lượng, an toàn cho người bệnh nói riêng và toàn xã hội nói chung.

Thiếu nhiều thứ

Để thực hiện tốt việc phân luồng, sàng lọc phòng chống dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm trong các CSYT hiện không phải là việc đơn giản.

Ông Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Sở Y tế cho biết thời gian qua, ngành y tế từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều chỉ đạo yêu cầu các CSYT phải thực hiện nghiêm việc phân luồng, sàng lọc bệnh nhân để phòng chống dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác. Mặc dù vậy, việc này sẽ rất phức tạp trong trường hợp bệnh nhân đến khám và điều trị đông, nhất là khi nhiều người có biểu hiện nghi ngờ. Muốn thực hiện đúng quy định phòng chống dịch bệnh, các CSYT sẽ phải huy động nhiều người và vật tư. Ngoài ra, còn nhiều yếu tố khách quan, các CSYT phải chờ đợi sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng mới có thể thực hiện được.

Là bệnh viện tuyến đầu của Hải Dương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh hằng ngày đang điều trị nội trú cho khoảng 1.000 người và đón tiếp hơn 1.000 người đến khám bệnh hoặc đi cùng người thân; diện tích bệnh viện rộng, có nhiều khoa, phòng khác nhau. Bác sĩ Nguyễn Văn Võ, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết để thực hiện việc phân luồng, sàng lọc bệnh nhân, bệnh viện đã phải huy động 50 cán bộ, nhân viên tham gia. Một khó khăn nữa của bệnh viện là theo quy định phòng chống dịch Covid-19, các nhân viên y tế và một bộ phận bệnh nhân phải được xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ, trong khi kít xét nghiệm để phục vụ công tác này khá hạn chế. Bệnh viện chỉ có 2 nguồn gồm thanh toán bảo hiểm y tế và ngân sách tỉnh hỗ trợ. Do không thể chủ động nên dễ dẫn đến việc khó bảo đảm việc xét nghiệm theo đúng thời gian quy định. Đặc biệt là trong thời điểm đang vào mùa đông - xuân, sẽ gia tăng tỷ lệ người có biểu hiện nghi ngờ cần thực hiện xét nghiệm sàng lọc.

Trung tâm y tế tuyến huyện cũng đang phải đối mặt với những khó khăn riêng. Do khi xây dựng không tính đến phương án phân luồng, sàng lọc cách ly riêng đối với các bệnh truyền nhiễm nên hầu hết các trung tâm hiện đều phải cơ cấu lại cơ sở vật chất cho phù hợp.

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Hà Phạm Văn Nhiệt cho biết do cơ sở vật chất hạn chế nên trung tâm chưa bố trí được phòng khám sàng lọc kết nối với khu vực lấy mẫu bệnh phẩm, chụp X-quang... theo dạng khép kín để bảo đảm phòng chống bệnh truyền nhiễm. Khu vực khám chữa bệnh chật nên việc giãn cách rất hạn chế...

THANH NGA

(0) Bình luận
Phòng chống bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện: Khó chồng khó